Từ sự việc một em học sinh THPT gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường khiến nhiều người thương xót, bàn tán cho rằng em dại, không suy nghĩ chín chắn. Nhưng liệu có ai hiểu thấu được những áp lực vô hình mà em đã phải chịu đựng. Và cha mẹ các em liệu có rút ra được bài học từ vấn nạn này?
Áp lực từ điểm số và thành tích đang đè nặng lên vai các em
Có thể nói tự tử học đường từ lâu đã trở thành một vấn nạn trong xã hội, nó bắt nguồn từ những áp lực về điểm số và thành tích trong giáo dục. Nhưng vì suy nghĩ chủ quan: “Sẽ không bao giờ rơi vào trường hợp con nhà mình đâu!” hoặc do quá kỳ vọng vào con cái mà cha mẹ đã vô tình bỏ qua điều này, khiến cho con em mình phải âm thầm chịu đựng những áp lực vô hình mà không dám than thở cùng ai, những tiếng kêu cứu của các em chỉ dám “bật” ra qua những bức thư tuyệt mệnh mà các em để lại.
Mặc dù giáo dục hiện nay được đánh giá là có nhiều đổi mới theo xu hướng mở, lấy người học làm trung tâm và chú trọng vào năng lực tuy duy, sáng tạo của học sinh hơn. Nhưng xét một cách toàn diện thì điểm số và thành tích mà các em đạt được chính là cách mà cha mẹ nhìn vào để đánh giá sự nỗ lực của các em. Mặc dù có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá về một người con ngoan thì dường như với cha mẹ con ngoan luôn mặc định là con phải đứng TOP ở lớp này hay có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi ở trường kia hoặc con nhất định phải là học sinh của trường chuyên lớp chọn…
Sự kỳ vọng của cha mẹ về điểm số và thành tích đã tạo ra áp lực rất lớn cho các em học sinh (Ảnh minh họa)
Từ những kỳ vọng trên mà cha mẹ mặc nhiên có quyền lên lịch và áp đặt đối với việc học của con, từ việc học ở trên lớp đến việc học thêm. Điều đáng nói là nhiều em học sinh đã phải học thêm từ cấp tiểu học để “phục vụ” cho mong muốn của cha mẹ là sau này sẽ thi vào lớp 6 trường chuyên, trường điểm hay để có thể đứng đầu lớp. Việc học thêm tràn lan sau những giờ học đã mệt nhoài ở trường khiến cho các em gần như kiệt sức, không còn tinh thần và trí lực để tập trung được nữa.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần. Hiện tượng những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì học đang có chiều hướng tăng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra áp lực học tập là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm (Ảnh minh họa)
Đã đến lúc cha mẹ cần nhìn nhận lại cách ứng xử của mình
Khi những sự việc đau lòng xảy ra, cha mẹ mới giật mình hối hận vì chưa kịp quan tâm sâu sắc hơn tới con em mình. Thế nhưng, điều đó đã thực sự quá muộn. Thay vì chữa bệnh, tại sao chúng ta không phòng bệnh?. Đã đến lúc cha mẹ cần phải nhìn nhận lại và thay đổi cách ứng xử của mình với con cái.
Chia sẻ về vấn đề này Tiến sĩ Giáo dục học Võ Văn Nam đã bày tỏ ý kiến như sau: “Điều cha mẹ cần làm là tạo điều kiện, hướng dẫn đâu là hướng đi đúng, đâu là chỗ con cần phải tránh. Tùy vào năng lực, sở trường, sở thích của con thì mới thành công.”
Vì vậy các bậc cha mẹ thay vì tạo áp lực cho con bằng cách đặt mục tiêu và kỳ vọng quá lớn vào con thì hãy tạo cho con sự thoải mái và tinh thần hứng khởi để say mê, hứng thú với việc học. Bởi nếu như con có đam mê thì kết quả ắt sẽ cao chứ không cần cha mẹ phải thúc giục hay dõi theo con từng chút một. Thay vì hỏi con về điểm số và thứ hạng ở trường lớp, tại sao không hỏi ngày hôm nay của con ở trường có vui không? Thay vì sắp đặt và can thiệp quá sâu vào việc học tập của con từ bước lên thời khóa biểu cho con, tại sao cha mẹ không giúp con phát triển tư duy và kỹ năng phản biện chứ không phải là chạy theo thành tích?.
Thay vì hỏi con về điểm số, thứ hạng bố mẹ hãy hỏi “Ngày hôm nay con học có vui không?” (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó cũng theo lời khuyên của nhiều chuyên gia và nhiều bậc cha mẹ có kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con hạnh phúc thì việc tạo ra những khoảng thời gian vui chơi giải trí cho con là điều rất quan trọng vì điều này giúp con được thư giãn và tích lũy năng lượng cho bản thân. Ngoài ra cha mẹ cũng nên dành thời gian cho con và chia sẻ với con thật nhiều, hãy lắng nghe con để con thấy là mình được yêu thương, được tôn trọng, có như vậy con sẽ mở lòng mình để chia sẻ những vấn đề khó khăn, áp lực mà con đang gặp phải với cha mẹ.
Điều cuối cùng mà các bậc cha mẹ cần hiểu được rằng gia đình đóng một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của con cả về thể chất lẫn tinh thần. Cha mẹ là chỗ dựa vựng chắc cho con cái, là nơi con thầy mình được yêu thương và chia sẻ. Do vậy thay vì áp đặt con thì cha mẹ hãy là những người định hướng cho con để con có thể rèn luyện tính độc lập và tự tin với cuộc đời mình sau này.
Đã đến lúc cha mẹ cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách ứng xử của mình với con cái. Thay vì áp đặt thì hãy tôn trọng nguyện vọng và sở thích của con!
Thay vì tạo áp lực cho con, bố mẹ hãy để con được phát triển độc lập và được tôn trọng sở thích cá nhân (Ảnh minh họa)