Soạn bài Bắc Sơn chi tiết Ngữ Văn 9

0
563
soan-bai-bac-son

Với mục tiêu giúp các em học sinh nắm vững được kiến thức trọng tâm và chuẩn bị tốt phần Soạn bài Bắc Sơn trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Bài học này HOCMAI sẽ hướng dẫn cho các em đầy đủ các nội dung từ tác giả, tác phẩm đến gợi ý trả lời chi tiết các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 9.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I. Tác giả

– Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng (1912 | 1960) 

– Quê quán: Làng Dục Tú | huyện Từ Sơn | tỉnh Bắc Ninh (Hiện nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Cuộc đời:

Nguyễn Huy Tưởng xuất thân trong một gia đình nhà nho và sớm tham gia cách mạng. Ông hoạt động trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật do Đảng lãnh đạo.

Ông có thiên hướng khai thác các đề tài về lịch sử và có đóng góp nổi bật trong thể loại tiểu thuyết, kịch.

Vào năm 1996, ông vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn Học Nghệ Thuật.

– Tác phẩm tiêu biểu: Vũ Như Tô (Kịch | 1941), Long Trì (Tiểu thuyết | 1942), Bắc Sơn (Kịch | 1946), Đêm hội, Sống mãi với thủ đô (Tiểu thuyết | 1961),…

 

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

Vở kịch Bắc Sơn được tác giả Nguyễn Huy Tưởng sáng tác và mang lên sân khấu trong không khí sôi sục của những năm đầu cách mạng chống Pháp – Vào đầu năm 1946. 

2. Bố cục

Vở kịch gồm có 5 hồi. Đoạn trích được đưa vào SGK chính là hai lớp của hồi 4:

  • Lớp I (Tóm tắt): Cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng Thơm và Ngọc. Sự mâu thuẫn giữa hai người xảy ra, Thơm dần dần nhận ra được con người thật của Ngọc. Cô cảm thấy đau xót và ân hận.
  • Lớp II: Thơm – Thái – Cửu: Giới thiệu về tình huống kịch, tạo điều kiện cho xung đột, mâu thuẫn phát triển. Thái và Cửu là hai cán bộ, chiến sĩ cách mạng đang chạy trốn, tình cờ trong lúc bối rối lại chạy nhầm vào nhà Thơm và cô đã quyết định cho hai người đó trốn ở buồng ngủ của mình.
  • Lớp III: Thơm – Ngọc: Ngọc đột ngột trở về nhà, Thơm đã tìm cách giấu chồng qua câu chuyện, qua đó càng bộc lộ tâm trạng day dứt, mâu thuẫn trong lòng cô. Một mặt dù đã nhận ra bản chất phản động của Ngọc, đã quyết định che giấu cho hai cán bộ cách mạng, mặt khác Thơm vẫn chưa đủ dũng khi, cương quyết để hành động.

3. Tóm tắt tác phẩm Bắc Sơn

Sau cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng, Thơm đã dần dần nhận ra được sự phản động và sự thật về bản chất đê tiện của Ngọc. Cô cảm thấy ân hận và đau xót. Thái cùng một đồng đội là Cửu trong lúc chạy trốn sự truy lùng của tay sai quân Pháp (trong đó có Ngọc) đã vô tình chạy vào nhà Thơm. Thơm nhanh trí cứu che giấu trong buồng nhà và cứu thoát hai người, sau đó cô chính thức giác ngộ cách mạng.

4. Giá trị nội dung

Đoạn trích thể hiện các xung đột diễn ra trong chính nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng của nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng, làm nổi bật nên vẻ đẹp và sự chuyển biến trong nhận thức nhân vật Thơm.

5. Giá trị nghệ thuật

Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống kịch: Tình huống bất ngờ, éo le, bộc lộ được rõ xung đột và thúc đẩy hành động kịch phát triển. Tác giả đã tạo lập được các đối thoại với các nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với mỗi giai đoạn của hành động kịch.

 

III. Đọc hiểu tác phẩm Bắc Sơn

Câu 1 | Trang 167 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Thuật lại hành động và diễn biến sự việc trong các lớp kịch trích từ hồi bốn.

Gợi ý:

Trước cái chết của cha mình, Thơm dần dần nhận ra được bộ mặt phản bội của Ngọc. Ngọc đã đi theo giặc, dẫn đường cho chúng đàn áp làng Vũ Lăng, và đối xử man rợ với những người làm cách mạng. Cô cảm thấy vô cùng đau xót, ân hận trước hành động của chính chồng mình. Khi hai người Thái và Cửu bị giặc truy bắt, chạy trốn nhầm vào nhà Thơm, cô đã che giấu và cứu thoát họ.

Câu 2 | Trang 167 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Trong các lớp kịch này, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được một tình huống bất ngờ và gay cấn. Đó là tình huống nào? Tình huống đó có tác dụng trong việc thể hiện sự xung đột và phát triển của hành động kịch như thế nào ?

Gợi ý:

– Tình huống: Trong lúc lẩn trốn khỏi sự truy lùng của Ngọc và tay sai quân Pháp, Thái và Cửu lại chạy nhầm vào nhà của Ngọc, nhưng may mà chỉ có một mình Thơm ở nhà. Cô đã quyết định che giấu và cứu thoát cho hai người cán bộ cách mạng.

Sự xuất hiện của Thái, Cửu đã đẩy mâu thuẫn kịch phát triển theo một hướng khác: Trong hoàn cảnh nguy kịch, lòng tin của người cán bộ đối với nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó quyết định tới sự thành bại của cách mạng

Câu 3 | Trang 167 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Phân tích hành động và tâm trạng của nhân vật Thơm. (Chú ý tới hoàn cảnh của nhân vật, thái độ và tâm trạng của Thơm đối với chồng, hành động của cô khi cứu Thái và Cửu).

Gợi ý:

– Hoàn cảnh của Thơm: Cuộc sống an nhàn và được chồng thương yêu, chiều chuộng. Dù cha và em trai đi theo cách mạng nhưng cô vẫn đứng ngoài cuộc khởi nghĩa. Khi cha và em trai đã hy sinh, mẹ thì hóa điên, cô mới nhận ra bộ mặt thật của chồng chính là tay sai cho giặc Pháp.

– Thái độ và tâm trạng của Thơm: Day dứt, ân hận khi thấy cha và em trai mình hy sinh, hình ảnh người mẹ của mình hóa điên ám ảnh cô, cô đau đớn khi nhận ra được bộ mặt thật của chồng.

– Tình huống bất ngờ xảy ra: Hai người Thái và Cửu chạy trốn vào nhầm nhà cô, cô phải đưa ra lựa chọn giữa việc báo tin cho chồng biết hoặc che dấu, cứu thoát cho hai chiến sĩ cách mạng => Thơm đã quyết định che giấu và cứu thoát hai người Thái và Cửu.

Câu 4 | Trang 167 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

 Phân tích các nhân vật trong vở kịch: Ngọc, Thái và Cửu. Chú ý những điểm sau:

– Tác giả đã sử dụng những thủ pháp nào để cho nhân vật Ngọc bộc lộ được bản chất của y, và đó chính là bản chất gì?

– Những nét nổi rõ ở trong tính cách của hai người Thái và Cửu là gì?

Gợi ý:

Tác giả đã để cho Ngọc bộc lộ được bản chất của y qua: Hành động truy lùng các cán bộ cách mạng, qua việc y tính toán tiền thưởng của mình khi bắt được cán bộ, trong việc y định tậu thêm ruộng đất, muốn chạy hàm cửu phẩm, định trừng trị thằng Tốn nào đó đã tranh mua ruộng của y.

– Nhân vật Thái: Sáng suốt, bình tĩnh đồng thời cũng rất tin tưởng vào sự ủng hộ của quần chúng, ngay cả khi đó có là vợ của một tên Việt gian.

– Nhân vật Cửu: Có phần thiếu chín chắn, nôn nóng; anh nghi ngờ cô Thơm, thậm chí còn có ý định bắn cô.

Câu 5 | Trang 168 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Nhận xét về nghệ thuật viết kịch của tác giả Nguyễn Huy Tưởng trong các lớp kịch này, chú ý về các phương diện như: Xây dựng tình huống, tổ chức đối thoại, biểu hiện tâm lí và tính cách của nhân vật.

Gợi ý:

– Xây dựng xung đột truyện kịch tính: Xung đột cơ bản của vở kịch thể hiện qua sự đối đầu giữa Ngọc với Thái và Cửu, trong hoàn cảnh khi cuộc khởi nghĩa đang bị đàn áp và Ngọc cùng đồng bọn đang truy lùng những người theo cách mạng. Đồng thời xung đột kịch cũng diễn ra trong chính nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để tiến tới bước ngoặt quan trọng.

– Xây dựng tình huống truyện đặc sắc: Hai chiến sĩ cách mạng là Thái và Cửu đã  chạy nhầm vào nhà của Thơm (Vợ của một tên Việt gian).

– Tổ chức đối thoại: Tổ chức được các cuộc đối thoại với những giọng điệu, nhịp điệu khác nhau, phù hợp với mỗi giai đoạn của hành động kịch.

Tâm lí nhân vật: Diễn ra khá phức tạp, chân thật qua nhân vật Thơm; tính cách nhân vật được thể hiện thống nhất và khá rõ nét trong lời nói và hành động qua nhân vật Ngọc.

 

IV. Soạn bài Bắc Sơn: Phần Luyện tập

Câu 2 | Trang 167 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Đọc kĩ lại chú thích (**) ở bài này về kịch, hãy vận dụng để xác định thể loại của các vở kịch mà em đã được học hoặc được xem.

Gợi ý:

Tên vở kịch

Thể loại

Bắc Sơn

Chính kịch

Tôi và chúng ta

Chính kịch

Romeo và Juliet

Bi kịch

Chèo Quan Âm Thị Kính

Kịch hát

Quan lớn về làng

Kịch hát

 

Vừa rồi là bài học Soạn bài Bắc Sơn chi tiết do HOCMAI biên soạn gửi tặng đến các em học sinh. Hi vọng rằng các em sẽ nắm vững kiến thức trọng tâm của tác phẩm, chuẩn bị thật tốt được phần soạn văn của mình và đạt được kết quả cao trong buổi học sắp tới.