Soạn bài Cô bé bán diêm của An-đéc-xen (Ngữ văn 8)

0
2315
soan-bai-co-be-ban-diem

 

“Cô bé bán diêm” là một truyện cổ tích nước ngoài vô cùng nổi tiếng, các em học sinh chắc chắn đã từng ít nhất nghe một lần về câu chuyện này. Tác giả người Đan Mạch An-đéc-xen đã thành công khắc họa một cuộc đời đau khổ của một cô bé bất hạnh. Câu chuyện đã làm dấy lên tình thương người và lấy đi bao nhiêu nước mắt của người đọc. Thật may mắn vì các em học sinh đang học chương trình Ngữ văn lớp 8 đã có cơ hội được cùng nhau phân tích mẩu truyện nghẹn ngào này. Bài viết này là bài Soạn bài Cô bé bán diêm được HOCMAI soạn thảo dựa theo chương trình học trên lớp của các em, các em có thể ôn tập trước với HOCMAI tại nhà để khi tới lớp không còn bỡ ngỡ với bài học và hiểu được cốt truyện một cách sâu sắc hơn.

I. Tác giả

– An-đéc-xen (1805 – 1875) là nhà văn người Đan Mạch nổi tiếng với thể loại truyện cổ tích kể cho trẻ em.

– Nhiều truyện của ông được biên soạn lại từ những câu chuyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông tự sáng tác ra.

– Một số tác phẩm quen thuộc nổi tiếng của ông như: Bầy chim thiên nga, Cô bé bán diêm, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Nàng tiên cá, Nàng công chúa và hạt đậu…

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác Cô bé bán diêm

Truyện được viết vào năm 1845 và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1848 trong phần năm của quyển “Nye Eventyr” (Những truyện cổ tích mới) với nhan đề “Den Lille Pige Med Svovlstikkerne” (Cô gái bé nhỏ với những que diêm).

2. Bố cục của văn bản Cô bé bán diêm

Bố cục của văn bản Cô bé bán diêm gồm 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra”: Hình ảnh cô bé bán diêm rét buốt, cô đơn trong đêm giao thừa.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “Họ đã về chầu thượng đế”: Các lần em bé quẹt que diêm, mông tượng của em và hiện thức khốc liệt.
  • Phần 3: Phần còn lại: Cái chết đầy đau thương của cô bé bán diêm.

3. Tóm tắt Cô bé bán diêm

Bài tham khảo tóm tắt Cô bé bán diêm:

Trong đêm giao thừa lạnh lẽo rét buốt, một cô bé đi chân đất, đầu trần, bụng đói nhưng bắt buộc phải đi bán diêm để kiếm sống. Cô bé ấy đã mồ côi mẹ từ nhỏ và ngay cả bà nội – người yêu thương em vào đùm bọc em nhất cũng đã qua đời. Em không dám đi về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Trời vừa lạnh và bụng em thì vừa đói, cô bé ngồi nép vào một xó tường rồi khẽ quẹt từng que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như đang được ngồi bên lò sưởi. Em vội quẹt que diêm thứ hai, một bàn ăn thịnh soạn hiện ra trước mặt. Đến lần quẹt que diêm thứ ba thì xuất hiện một cây thông Noel. Quẹt tới que diêm thứ tư được thắp lên, lần này là hiện ra khuôn mặt hiền từ của bà nội em. Những ảo ảnh êm dịu đó nhanh chóng tan biến sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để cố níu giữ bà nội ở lại. Kết câu chuyện, cô bé bán diêm đã chết vì cái rét, cái đói, cái khổ trong đêm giao thừa rét buốt.

III. Đọc – hiểu văn bản

1. Hình ảnh cô bé bán diêm trong đêm giao thừa

Hoàn cảnh của cô bé bán diêm:

  • Mẹ mất, bà nội – người yêu thương em nhất, bao bọc em nhất cũng vừa mới qua đời.
  • Phải sống với người bố hay đánh đập em và bị bắt đi bán diêm để kiếm tiền.

– Thời điểm bán diêm: Đêm giao thừa buốt giá.

– Không gian bán diêm: Cửa sổ của các nhà đều sáng rực ánh đèn, cả phố sực nức mùi ngỗng quay.

– Hình ảnh cô bé bán diêm:

  • Ngồi nép vào một góc tường, bên giữa hai ngôi nhà.
  • Nghĩ đến nếu không bán được hết chỗ diêm mà trở về nhà thì sẽ bị bố đánh.
  • Em thu đôi chân cho đỡ buốt nhưng càng lúc càng cảm thấy lạnh hơn.
  • Đôi bàn tay của em cứng đờ đờ ra vì lạnh giá.

⇒ Không những em phải chịu cảnh đói nghèo, khổ cực do thời tiết và hoàn cảnh sống mà còn phải chịu sự mất mát vì thiếu đi tình thương yêu, đùm bọc của gia đình.

2. Các lần em bé quẹt que diêm và những hình ảnh tưởng tượng hiện ra

Cô bé đã trải qua bốn lần quẹt diêm với những hình ảnh tưởng tượng lần lượt xuất hiện:

– Lần thứ nhất: Mơ ước được ngồi bên cạnh lò sưởi – mong muốn có được sự sưởi ấm.

– Lần thứ hai: Mơ ước được ở trong căn phòng có bàn ăn, trên bàn có thịt ngỗng quay – mong muốn có miếng ăn và được no bụng.

– Lần thứ ba: Mơ ước về một cây thông Noel – mong muốn được đón giao thừa giống như bao người khác.

– Lần thứ tư: Mơ ước được gặp lại bà nội thân yêu – mong muốn được gặp lại bà, nhớ thương mà và mong ước được che chở và yêu thương.

– Lần cuối cùng: Quẹt toàn bộ số diêm còn lại trong bao – để được gặp lại bà và đi cùng bà đến nơi hạnh phúc.

⇒ Những mong muốn của cô bé bán diêm là hoàn toàn có thể thấu hiểu và chính đáng.

3. Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm

– Thời gian: buổi sáng sớm của ngày hôm sau.

– Không gian: ở một xó tường lạnh lẽo giữa hai căn nhà.

– Hình ảnh: Một cô bé mặc dù đã chết cóng nhưng vì đôi má em vẫn ửng hổng và miệng vẫn mỉm cười vì hạnh phúc được gặp bà.

– Lý do: Gia đình nghèo khó, thờ ơ và ghẻ lạnh với em. Mọi người xung quanh thì không quan tâm tới em.

⇒ Tố cáo một xã hội vô cảm, ghẻ lạnh, sống thờ ơ.

Tổng kết: 

Giá trị Nội dung: Cuộc đời của cô bé bán diêm thật là bất hạnh, chua xót, đáng thương: tác giả đã thành công trong việc gợi lên sự thương cảm trong lòng người đọc. Đồng thời đó cũng là lời tố cáo về xã hội đương thời, một xã hội mà con người trở nên lạnh lùng và vô cảm.

Giá trị Nghệ thuật: Lối kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn, đan xen giữa yếu tố hiện thực với mộng tưởng.

IV. Hướng dẫn giải bài:

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 68):

Hướng dẫn giải bài:

Văn bản chia làm 3 phần:

– Phần 1: Từ đầu đến “Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra”: Hình ảnh cô bé bán diêm rét buốt, cô đơn trong đêm giao thừa.

– Phần 2: Tiếp theo đến “Họ đã về chầu thượng đế”: Các lần em bé quẹt que diêm, mông tượng của em và hiện thức khốc liệt.

– Phần 3: Phần còn lại: Cái chết đầy đau thương của cô bé bán diêm.

Căn cứ vào những lần quẹt diêm của cô bé để xác định những đoạn nhỏ.

   + Ba lần quẹt đầu tiên ước mơ về lò sưởi,thức ăn, đồ chơi và cây thông.

   + Lần thứ tư, hình ảnh người bà hiện lên một cách hiền hậu.

   + Lần thứ năm, cô bé quẹt hết số diêm trong hộp để cố gắng níu giữ hình ảnh người bà.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 68):

Hướng dẫn giải bài:

– Gia cảnh của cô bé bán diêm:

   + Gia cảnh sa sút nghèo khó, mồ côi mẹ từ nhỏ, bà nội mất.

   + Sống với người bố hay chửi rủa, nhiếc mắng và đánh đập trên căn gác sát mái nhà.

– Hình ảnh cô bé bán diêm:

   + Đi chân đất, đầu trần không mũ, bụng đói meo, dò dẫm đi trên đường

   + Cả ngày em không bán được một bao diêm nào

– Thời gian: buổi đêm giao thừa

– Không gian: ngoài đường phố thì lạnh lẽo, mọi nhà thì đều sáng rực ánh đèn, thơm nức mùi thịt ngỗng quay.

– Những hình ảnh đối lập nhằm khắc họa nỗi khổ cực của cô bé:

   + Nơi em sống có cây thường xuân bao quanh, và ngôi nhà em thật xinh đẹp >< gác mái gió lùa buốt lạnh.

   + Cửa sổ mọi nhà sáng rực ánh đèn và ấm áp >< ngoài đường phố tối tăm, góc tường lạnh lẽo giữa hai ngôi nhà.

   + Phố xá sực nức mùi thịt ngỗng quay >< em bé bụng đói không có gì trong bụng

⇒ hình ảnh đối lập làm nổi bật lên tình cảnh thảm thương, thật tội nghiệp của cô bé, thêm nữa là bà và mẹ của em đều đã mất, em phải sống với người bố hung ác và bạo lực.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 68):

Hướng dẫn giải bài:

– Mộng tưởng của cô bé bán diêm hiện ra hợp lý với thực tế:

   + Muốn được sưởi ấm và ăn uống no nê: lò sưởi, thịt ngỗng quay

   + Khao khát được sum họp gia đình: bên cây thông Noel

   + Muốn được vui vẻ và hạnh phúc: bên người bà hiền hậu

   + Cảnh hai bà cháu bay lên trời: vượt thoát khỏi những đau buồn trần thế

– Mộng tưởng gắn với thực tế: lò sưởi, ngỗng quay, cây thông

– Mộng tưởng thuần túy là mộng tưởng: gặp lại người bà

⇒ Những mộng tưởng của cô bé bán diêm cũng là mộng tưởng chung của bất kỳ đứa trẻ nào có cùng chung cảnh ngộ đáng thương: muốn ấm no, hạnh phúc bên gia đình.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 68):

Hướng dẫn giải bài:

Cảm nghĩ về cô bé bán diêm:

– Cô bé có hoàn cảnh thật tội nghiệp và đáng thương:

   + Sống trong cảnh thiếu thốn về cả vật chất lẫn cả tinh thần.

   + Phải bươn chải kiếm sống ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ.

– Ước mơ của em thực tế, giản dị và hồn nhiên và rất lẽ tất dĩ ngẫu:

   + Mơ no ấm, sum vầy, quây quần bên gia đình.

   + Muốn được vui chơi thỏa thích đúng với lứa tuổi của em như bao bạn khác.

– Em bé tội nghiệp chết vì đói và rét ở ngoài đường.

Đoạn kết truyện:

– Cảnh tượng cô bé bán diêm chết vì giá rét nhưng miệng vẫn mỉm cười – đây là nghệ thuật của tác giả, giúp giảm bớt sự tang thương cho người đọc.

– Cái chết lúc này là sự cứu rỗi của em – hai bà cháu bay về với nơi gọi tên hạnh phúc.

– Cái kết vừa có sự bi thương, vừa mang màu sắc cổ tích (phản ánh ước mơ, khát vọng được vui vẻ, hạnh phúc, ấm no của con người)

Những câu hỏi xoay quanh văn bản “Cô bé bán diêm”:

1) Thông qua câu chuyện này, nhà văn gửi gắm thông điệp gì?

Hướng dẫn trả lời:

Thông qua truyện “Cô bé bán diêm” tác giả An-đéc-xen như muốn tương phản cảnh đói rét cùng cực của em bé bán diêm với cảnh sống vui vẻ, sung túc, ấm áp của mọi nhà vào buổi đêm giao thừa. Có vẻ như tất cả mọi người đều thờ ơ, quay lưng lại với em, không muốn giúp đỡ em. Em đã thật sự bị tất cả bỏ rơi trên cuộc đời này. Đó là ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm, là tấm lòng cảm thông sâu sắc của An-đéc-xen với những cuộc đời bần cùng và khốn khổ.

Bằng ngòi bút đầy tình người và lòng nhân ái của nhà văn, qua cái chết của cô bé bán diêm tác giả đã tố cáo và phê phán thành công xã hội thờ ơ lạnh lùng với những nỗi bất hạnh của những người nghèo khổ khốn khó, đặc biệt đối với những đứa trẻ thơ. Đồng thời, thông qua tác phẩm nhà văn như muốn gửi gắm thông điệp tới người đọc: đó là hãy biết san sẻ tình yêu thương của mình cho người khác, đừng phũ phàng hoặc vô tình trước nỗi đau bất hạnh, cay đắng của người nghèo khổ, nhất là những em bé xấu số.

2) Cô bé bán diêm thuộc thể loại gì?

Hướng dẫn trả lời:

Truyện “Cô bé bán diêm” thuộc thể loại là: Truyện ngắn.

3) Cái chết của nhân vật cô bé bán diêm nói lên điều gì?

Hướng dẫn trả lời:

Cô bé bán diêm đã qua đời trong giấc mộng mãi mãi(má ửng hồng, môi mỉm cười), em đã ra đi đầy thảm thương trước sự lạnh lùng của cảnh vật xung quanh và của mọi người qua lại.  Hình ảnh cuối đời của em khi ra đi thật đẹp đã thể hiện sự mãn nguyện của cô bé; có lẽ em đã thanh thản, toại nguyện vì chỉ mình em mới được sống trong những điều kì diệu nhiệm màu đến vậy.

Dẫu vậy, thức tế thì em bé đã có cái chết thật sự rất phũ phàng và thảm thương, bất cứ người đọc nào cũng phải thốt lên những lời thương xót cho em và những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự.

Bằng ngòi bút đầy tình người và lòng nhân ái của nhà văn, qua cái chết của cô bé bán diêm tác giả đã tố cáo và phê phán thành công xã hội thờ ơ lạnh lùng với những nỗi bất hạnh của những người nghèo khổ khốn khó, đặc biệt đối với những đứa trẻ thơ. Đồng thời, thông qua tác phẩm nhà văn như muốn gửi gắm thông điệp tới người đọc: đó là hãy biết san sẻ tình yêu thương của mình cho người khác, đừng phũ phàng hoặc vô tình trước nỗi đau bất hạnh, cay đắng của người nghèo khổ, nhất là những em bé xấu số.

4) Hoàn cảnh của cô bé bán diêm như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Hoàn cảnh của cô bé bán diêm thật sự rất tội nghiệp. Gia đình của em không hề tồn tại hai chữ hạnh phúc. Em mồ côi mẹ từ rất sớm, bà nội em người mà yêu thương em hết mực cũng đã ra đi. Bố em thì luôn đánh đập, mắng nhiếc em, bắt ép em phải đi bán diêm để cứu sống. Xã hội cũng không đối xử với em tốt là bao, mọi người đều thờ ơ, lạnh nhạt. Dù em trông có tội nghiệp, không có dép để đi, không có mũ để đội, đi bán diêm trong thời tiết buốt giá, bụng thì trống rỗng đói meo. Cuộc sống của em thật khổ sở và bất hạnh.

5) Các mộng tưởng của em bé qua các lần quẹt diêm diễn ra lần lượt có hợp lý không? Vì sao? Trong các mộng tưởng ấy, điều nào gắn với thực tế, điều nào thuần túy chỉ là tưởng tượng?

Hướng dẫn trả lời:

Những mộng tưởng của em hoàn toàn hợp lý, nó là sự phản ánh cho những thiếu thốn của em và là những điều em thực sự khao khát có được. Dù vậy nhưng thật ra những điều em mong ước lại rất là đơn giản và bình dị, em chỉ cần được như bạn bè đồng trang lứa. Em mơ ước về một chiếc lò sưởi ấm áp, đồ ăn cho no bụng, một chiếc cây thông noel và đồ chơi, và cuối cùng là mơ ước được gặp lại người bà quá cố.

Chi tiết mơ về người bà thuần túy chỉ là tưởng tượng nhưng lại rất thật nếu xét trên phương diện nhu cầu thiết yếu. Chúng ta ai ai chẳng muốn được thương yêu, được che chở, được cười và hạnh phúc. Cái chết của em như sự giải thoát khỏi thực tại khốc liệt, em đã được đến với miền cực lạc mới, nơi có người bà luôn dang tay đón chờ.

6) Trình bày những hiểu biết của em về tác giả An-đéc-xen

Hướng dẫn trả lời:

Hanx Cri-xti-an An-đéc-xen (1805-1875) là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng chuyên viết truyện cho thiếu nhi đặc biệt là truyện cổ tích. Ông có thể dựa theo những câu chuyện cổ tích được người dân lưu truyền để viết lại, nhưng cũng nhiều truyện ông đã tự sáng tác mới hoàn toàn. Dù theo cách nào thì những câu chuyện của ông (Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Cô bé bán diêm, Bầy chim thiên nga, Nàng công chúa và hạt đậu,… ) cũng luôn được các bạn nhỏ khắp nơi trên thế giới (trong đó có các bạn ở Việt Nam) yêu thích. Các nhân vật của ông đôi khi ở trong những hoàn cảnh rất thương tâm và cùng cực nhưng nhìn chung truyện của ông luôn lấp lánh thứ ánh sáng lãng mạn kỳ ảo, ánh sáng của sự thay đổi, kết thúc có hậu, mang đến cho bạn đọc niềm tin và tình yêu đối với cuộc sống.

Bài viết các em có thể tham khảo thêm:

Trên đây là bài viết Soạn bài Cô bé bán diêm mà HOCMAI muốn gửi gắm tới các em học sinh. Một câu chuyện thật cảm động, nghẹn lòng phải không các em? Truyện “Cô bé bán diêm” mang trong mình rất nhiều giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn cao cả vậy nên mới được đưa vào chương trình học trên lớp của các em. Để tiếp cận thêm nhiều câu chuyện, nhiều tác phẩm hay, thú vị, giàu ý nghĩa thêm nữa, các em hãy truy cập hoctot.hocmai.vn nhé!