Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự – Lý thuyết và Luyện tập (Ngữ văn 8)

0
1814
soan-bai-mieu-ta-va-bieu-cam-trong-van-ban-tu-su

 

Trong chương trình Ngữ văn 8 học kỳ 1, các em học sinh sẽ được tiếp cận rất nhiều với văn bản tự sự. Đây sẽ là kiến thức tập làm văn chủ đạo của học kỳ này mà các em học sinh khối 8 phải làm được thuần thục và nhuần nhuyễn. Để tạo lập được một văn bản tự sự ghi được điểm số cao thì các em không những phải nâng cao vốn từ vựng của mình mà còn phải sử thêm yếu tố miêu tả và biểu cảm để khiến cho văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, có hồn. Bây giờ các em cùng HOCMAI sẽ đi vào bài Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự nhé!

A. Lý thuyết Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

I. Sự kết hợp các yếu tố kể, tả và biểu lộ tình cảm trong đoạn văn

Câu 1: (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 – Trang 73)

Hướng dẫn giải bài:

– Yếu tố miêu tả:

  • Xe chạy chầm chậm lại chút…Tôi thở dốc, hồng hộc, trán thì đẫm mồ hôi, chân ríu cả lại.
  • Mẹ tôi không còm cõi, xơ xác.
  • Gương mặt mẹ tôi vẫn rất tươi sáng với đôi mắt trong veo và nước da mịn màng, làm nổi bật màu hồng phớt ở hai gò má.

– Yếu tố biểu cảm:

  • Bộc lộ suy nghĩ nhân vật: Hay do sự sung sướng bỗng được trông thấy và được ôm ấp với cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại có vẻ tươi đẹp như thuở còn sung túc.
  • Bộc lộ cảm nhận của nhân vật: Những cảm giác ấm áp đã bao lâu không còn bỗng lại xuất hiện mơn man khắp da thịt. Mùi quần áo và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn đang nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho đến lạ thường.
  • Phát biểu cảm tưởng của nhân vật: Phải trở nên bé lại và lăn vào lòng của một người mẹ… để bàn tay mẹ vuốt ve con từ trán xuống cằm và gãi rôm ở dọc sống lưng cho mới thấy người mẹ có một sự êm dịu vô cùng.

Các yếu tố miêu tả và biểu cảm không đứng riêng mà xen lẫn với yếu tố tự sự.

Câu 2: (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 – Trang 73)

Hướng dẫn giải bài:

So sánh với đoạn văn trong sách giáo khoa, ta thấy:

– Các yếu tố miêu tả làm cho cuộc gặp gỡ của nhân vật “tôi” và mẹ của mình thêm sự sống động với bao hình dáng, hương vị, màu sắc của sự việc, sự kiện, nhân vật, hoạt động. 

– Thêm vào đó, tác giả sử dụng yếu tố biểu cảm đã khiến tình mẫu tử được hiện lên càng thêm sâu sắc, thấm thía và ý nghĩa. Người đọc từ đó buộc phải trăn trở trằn trọc nghĩ suy trước các sự việc trong câu chuyện.

– Sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm cũng giúp nhà văn thể hiện được thái độ nâng niu trân trọng với tình mẫu tử ấm áp và cũng thể hiện được tình cảm yêu mến của mình đối với nhân vật và sự việc trong câu chuyện.

Câu 3: (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 – Trang 73)

Hướng dẫn giải bài:

Nếu loại bỏ đi các yếu tố tự sự (kể) trong đoạn văn trong sách giáo khoa, chỉ để lại các câu miêu tả và câu biểu cảm thì đoạn văn này không có cốt truyện chính. Chúng ta đều biết cốt truyện là do những sự việc, hoạt động và nhân vật cùng tạo nên. Các yếu tố miêu tả và biểu cảm chỉ có thể là yếu tố phụ thêm cùng với sự việc và nhân vật mới phát triển được. Như vậy yếu tố tự sự (kể) người và sự việc trong văn tự sự là thiết yếu.

II. Ghi nhớ

Yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự là một yếu tố phụ, là phương tiện giúp cho câu chuyện diễn ra được sinh động hơn, miêu tả không phải là mục đích chính trong văn bản tự sự.

Yếu tố biểu cảm trong văn bản tự sự cũng là yếu tố phụ, không phải mục đích chính, tuy nhiên nó là phương tiện giúp cho văn bản tự sự có thêm được chiều sâu nội tâm của cảm xúc và tâm trạng.

– Trong văn tự sự, rất ít khi tác giả chỉ thuần kể người, kể việc (kể chuyện) mà khi kể thường đan xen các yếu tố miêu tả và biểu cảm.

– Miêu tả và biểu cảm là hai yếu tố quan trọng trong văn bản tự sự. Nhờ những yếu tố đó mà câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, sâu sắc và có sức truyền cảm mạnh mẽ.

B. Luyện tập miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

Câu 1: (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 – Trang 74)

Hướng dẫn giải bài:

+ Hằng năm cứ vào độ cuối thu, lá ngoài đường lại rụng nhiều.

+ Tôi quên làm sao được những cảm giác trong buổi sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy bông hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…

+ Thằng Dần vục đầu vừa húp vừa thổi xoàn xoạt. Chị Dậu rón rén bưng một bát cháo lớn đến chỗ chồng nằm.

+ Thầy em cố mà ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.

+ Rồi chị đón lấy cải Tỉu ngồi xuống bên cạnh đó như có ý chờ xem chồng chị ăn có cảm thấy ngon miệng không.

+ Lão vừa hút xong, đặt xe điếu xuống, quay ra phía ngoài thở khói…

+ Sau một điếu thuốc lào, óc người ta sẽ tê dại đi trong cơn đê mê nhẹ nhõm. Lão Hạc ngồi lặng im, hưởng một chút khoái lạc cỏn con ấy.

Các đoạn văn trên có yếu tố miêu tả giúp tái hiện ra ngay trước mắt người đọc cảnh vật, hoạt động, sự việc và có tác động đến những câu văn biểu cảm, làm cho đoạn văn bật ra được ý nghĩa sâu sắc đầy yếu tố tượng hình, tượng thanh.

Câu 2: (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 – Trang 74)

Hướng dẫn giải bài:

Đoạn văn dài tầm 10 đến 15 câu, có sử dụng đan xen các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong truyện kể.Hoàn cảnh gặp lại người thân thời gian, địa điểm (khi nào?, ở đâu?)…

– Kể ở ngôi thứ nhất – xưng “tôi” hoặc “em”

Miêu tả khung cảnh, cảnh vật, địa điểm gặp gỡ:

– Miêu tả khung cảnh gặp gỡ giữa các nhân vật trong truyện (em và người thân/ những người thân với nhau)

– Miêu tả về dáng vẻ, cử chỉ, lời nói của người thân để thấy sự thay đổi sau một thời gian lâu không gặp lại.

– Biểu cảm: bày tỏ cảm xúc và tâm trạng của bản thân và người thân.

Đoạn văn tham khảo:

Đã khá lâu lắm rồi em không có dịp được về quê thăm bà nội. Hôm nay nhân ngày em được nghỉ học bố mẹ cho em về quê thăm bà. Dọc đường đi em cảm thấy vô cùng hồi hộp, không biết nhà bà nội có gì khác với khi xưa hay không? Con chó Cún và con mèo tam thể nhà bà đã lớn đến thế nào rồi? A kia rồi! Xa xa thấp thoáng sau rặng dừa là nhà bà nội. Bà em đang lúi húi quét lá ở sân, từ xa em đã thấy dáng người còng còng, bộ quần áo bà ba nâu sẫm và mái tóc bạc trắng như tơ của bà. Em gọi to: “Bà ơi! Cháu về thăm bà rồi đây!” Bà giật mình ngẩng lên ngoái lại, miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa mỉm cười thật tươi. Em ôm chặt lấy bà, mùi trầu thơm thơm, ngai ngái của bà như quyện vào người em. Cứ mỗi lần nhớ tới bà là em lại nhớ đến cái mùi trầu ngai ngái dễ chịu ấy. Em chợt nhận thấy bà là người thân yêu và quan trọng đối với em đến nhường nào. Em tự hứa với mình từ nay sẽ xin bố mẹ đưa em về thăm bà thường xuyên hơn.

Bài viết các em có thể tham khảo thêm:

Bài viết Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự đã được hoàn thành, các em học sinh có còn bất kỳ thắc mắc nào nữa không nhỉ? Nếu các em soạn bài trước ở nhà một cách kỹ càng thì khi đến lớp các em có thể giơ tay phát biểu bài một cách tự tin và dễ dàng lấy được điểm 10 trong những bài kiểm tra miệng đấy. Còn rất nhiều bài soạn bài chi tiết khác tại hoctot.hocmai.vn mà các em có thể tham khảo.