Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn 7

0
40691
de-cuong-on-thi-hoc-ki-1-ngu-van-7

Ở bài viết này HOCMAI xin gửi tới các em học sinh khối 7 bài viết Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn 7 thật chi tiết và đầy đủ. Những kiến thức được nêu ra trong bài hoàn toàn được biên soạn dựa trên những tác phẩm văn học, kiến thức tiếng việt, tập làm văn trong sách giáo khoa của các em. Vậy nên, chỉ với những kiến thức và bài tập ôn luyện trong bài viết này, các em sẽ chắc chắn có thể tự tin đi thi đấy. Nào chúng ta hãy cùng vào bài thôi nhé!

A. ĐỀ CƯƠNG KIẾN THỨC TRỌNG TÂM CUỐI HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN 7

I. Kiến thức về văn bản đề cương ôn thi ngữ văn 7 học kì 1

Tên văn bản Tác giả Thể loại Nội dung chính Ý nghĩa Nghệ thuật
Cổng trường mở ra Lí Lan Văn bản nhật dụng Tình cảm dịu ngọt mà người mẹ đã dành cho con và tâm trạng của mẹ ở đêm trước ngày con đi học. – Tấm lòng, tình cảm sâu đậm của người mẹ đối với người con của mình.

– Vai trò vô cùng to lớn của nhà trường nói riêng và cả ngành giáo dục nói chung đối với sự phát triển của con người và xã hội hiện nay.

Ngôn ngữ mang đậm giá trị biểu cảm, lựa chọn được hình thức phù hợp (như dòng nhật ký của người mẹ viết cho người con)
Mẹ tôi Ét-môn-đô Đơ A-mi-xi Văn bản nhật dụng Bức thư người bố đã viết cho người con – En-ri-cô khi mà En-ri-cô vô tình ăn nói thiếu sự lễ độ với mẹ. – Vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế của người mẹ ở trong gia đình.

– Tình yêu thương, lòng kính trọng cha mẹ là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất với mỗi con người chúng ta.

Hình thức biểu cảm trực tiếp
Cuộc chia tay của những con búp bê Khánh Hoài Truyện ngắn Cuộc chia tay giữa bố và mẹ của Thành và Thủy đã kéo theo sự chia tay của cả hai anh em Thành, Thủy và cho cả hai con búp bê Vệ Sĩ, Em Nhỏ. Trẻ em rất cần được sinh sống và nuôi nấng  trong một mái ấm gia đình.

Mỗi người đều cần phải biết giữ gìn và quý trọng sự hạnh phúc của cả gia đình.

Xây dựng được tình huống tâm lý vừa hợp tình vừa hợp lý. Mạch kể chuyện tự nhiên, theo đúng với trình tự sự việc.
Sông núi nước Nam Lý Thường Kiệt Thơ thất ngôn tứ tuyệt Lời tuyên ngôn vô cùng đanh thép về chủ quyền của nước Nam và lời đe dọa tới kẻ thù nhăm nhe xâm lược. – Thể hiện được niềm tin vào sức mạnh của chính nghĩa, anh dũng của toàn dân tộc ta.

– Đây được xem như là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của toàn đất nước ta.

– Giọng thơ rất đanh thép, dõng dạc, rõ ràng, hùng hồn.

– Mặc dù văn bản được viết theo hình thức nghị luận và bày tỏ được ý kiến nhưng ta vẫn thấy được rất rõ cảm xúc mạnh mẽ được dồn nén ở trong đó.

Phò giá về kinh Trần Quang Khải Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Hào khí của sự chiến thắng của toàn quân ta và khát vọng đạt được hòa bình, giành lại độc lập. Thể hiện được khí nhuệ chiến đấu, hào khí chiến thắng và khát vọng giành lại được độc lập, để Đất nước ta được yên vui, thái bình. – Giọng điệu rất tự do, sảng khoái và hân hoan.

– Hình thức diễn đạt rất cô đọng và xúc tích.

Buổi chiều đứng ở phà Thiên Trường trông ra Trần Nhân Tông Thơ thất ngôn tứ tuyệt Bức tranh cảnh vật được vẽ ra rất êm đềm, trầm lắng và có sự gắn bó máu thịt với cuộc sống bình dị, đời thường của nhà thơ. Tình yêu quê hương vô cùng thắm thiết của Trần Nhân Tông. – Nhịp thơ rất êm ái và hài hòa.

– Ngôn ngữ miêu tả được dùng mang tính hình ảnh cao, hình ảnh thi vị, đầy chất thơ, đậm chất hội họa.

– Dùng cái thực để làm nổi bật cho cái ảo, cái hư và ngược lại.

Bài ca Côn Sơn Nguyễn Trãi Thơ lục bát – Cảnh trí ở Côn Sơn thật là nên thơ,khoáng đạt và thanh tịnh.

– Tâm hồn rất cao đẹp và có sự gần gũi của nhà thơ đối với thiên nhiên.

– Sự giao thoa, hòa nhập rất trọn vẹn giữa thiên nhiên với con người.

– Thể hiện được tâm hồn thi sĩ, đầy tình thơ và nhân cách thanh cao của tác giả.

– Giọng thơ thật êm ái và nhẹ nhàng.

– Sử dụng đan xen thành công và hiệu quả giữa biện pháp so sánh, phép điệp ngữ và đại từ.

Sau phút chia li Đoàn Thị Điểm Thơ song thất lục bát Tâm trạng chia ly của con người chinh phụ và lòng cảm thương đầy sâu sắc của tác giả. – Tố cáo thứ chiến tranh vừa phi nghĩa vừa tàn khốc.

– Khát khao có được hạnh phúc của người phụ nữ.

– Hình ảnh ước lệ tượng trưng được sử dụng vô cùng cách điệu.

– Sáng tạo ở trong việc sử dụng thành công phép đối và các đại từ đặc sắc.

Bánh trôi nước Hồ Xuân Hương Thơ thất ngôn tứ tuyệt – Hình ảnh bánh trôi nước đã tượng trưng cho vẻ đẹp và phẩm chất, cốt cách của người phụ nữ.

– Lời cảm thông đầy xót xa  cho thân phận người phụ nữ.

Ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của những người phụ nữ, thể hiện được sự đồng cảm, xót thương sâu sắc đối với thân phận chìm nổi của họ ở trong xã hội cũ. Ngôn ngữ thơ rất bình dị và gần gũi. Sáng tạo ở trong việc xây dựng thành công được hình ảnh đa nghĩa, nhiều tầng lớp ý nghĩa.
Qua đèo ngang Bà Huyện Thanh Quan Thơ thất ngôn bát cú – Cảnh hoang sơ đầy vắng lặng, tĩnh mịch nơi Đèo Ngang.

– Tâm trạng hoài cổ, cô đơn, nhớ nước, thương nhà của tác giả.

Thể hiện được tâm trạng cô đơn, lẻ bóng và thầm lặng, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ khi trước cảnh vật ở Đèo Ngang. – Sử dụng thành công bút pháp đầy tính thơ, đó là: tả cảnh ngụ tình.

– Sáng tạo ở trong việc sử dụng những loại từ ngữ như từ láy và từ đồng âm khác nghĩa.

– Sử dụng phép đối một cách rất hiệu quả.

Bạn đến chơi nhà Nguyễn Khuyến Thơ thất ngôn bát cú – Xây dựng được tình huống không có gì để mà tiếp bạn trong khi bạn đến nhà chơi.

– Thể hiện được tình bạn đậm đà thắm thiết, tình cảm vượt lên trên cả hoàn cảnh vật chất.

Thể hiện được quan niệm của tác giả về vẻ đẹp của  tình bạn. Quan niệm đó vẫn còn ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống con người ở thời nay. – Sáng tạo nên được tình huống đầy sự hấp dẫn.

– Ngôn ngữ điêu luyện.

Xa ngắm thác núi Lư Lý Bạch Thơ thất ngôn tứ tuyệt Tâm hồn phóng khoáng và lãng mạn của thi nhân khi đứng trước vẻ đẹp độc đáo, hùng vĩ và tráng lệ của thác núi Lư. – Khắc họa thành công được vẻ đẹp kỳ vĩ, mạnh mẽ của thiên nhiên.

– Tâm hồn đầy phóng khoáng, bay bổng của Lí Bạch.

– Kết hợp rất tài tình giữa yếu tố thực và yếu tố ảo.

– Sử dụng thành công biện pháp so sánh phóng đại.

– Liên tưởng, tưởng tượng rất sáng tạo.

– Sử dụng ngôn ngữ giàu chất hình ảnh.

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh Lý Bạch Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Tình quê hương của một người đang sống xa nhà, xa quê hương ở trong cảnh đêm trăng thanh tĩnh. Tình yêu quê hương mãnh liệt và da diết của một người con sống xa nhà. – Từ ngữ gần gũi và giản dị nhưng lại được tinh luyện.

– Sử dụng thành công biện pháp đối ngữ.

Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê Hạ Tri Chương Thơ thất ngôn tứ tuyệt Cảm nghĩ của một người đang sống xa quê lâu ngày, ở trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về lại quê cũ. Tình yêu quê hương thật thắm thiết của một người con lâu ngày mới được về thăm quê nhà. Cách diễn đạt vừa rất chân thực vừa rất sâu sắc, vừa hóm hỉnh và vừa ngậm ngùi.
Bài ca nhà tranh bị gió thu phá Đỗ Phủ Thơ tự do Nỗi khổ của tác giả vì cái căn nhà tranh đã bị gió thu phá nát. – Phản ánh được chân thực cuộc sống của những người nghèo khổ.

– Khát vọng đầy cao cả của nhà thơ: ước sao có được một ngôi nhà vững chắc ngàn vạn gian để có thể che chở cho tất cả mọi người nghèo trong toàn thiên hạ.

– Kết hợp sử dụng nhiều phương thức biểu đạt.

– Bút pháp hiện thực rất đặc sắc.

Cảnh khuya và Rằm tháng giêng Hồ Chí Minh Thơ thất ngôn tứ tuyệt Miêu tả được cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc. Tình yêu thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước rất đỗi sâu nặng với phong thái ung dung và lạc quan của Bác Hồ. Nhiều hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có màu sắc cổ điển mà tự nhiên, bình dị.
Tiếng gà trưa Xuân Quỳnh Thể thơ năm chữ Kỉ niệm tuổi thơ với bà và tình cảm bà cháu sâu đậm của tác giả. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Cách diễn đạt tình cảm rất tự nhiên, nhiều hình ảnh sử dụng bình dị và chân thực.
Một thứ quà của lúa non: Cốm Thạch Lam Tùy bút – Cốm: một sản vật của tự nhiên, đất trời đồng thời là một sản vật mang đậm nét văn hóa.

– Văn hóa và lối sống người Hà Nội.

Tấm lòng đầy trân trọng của tác giả với một nét đẹp văn hóa dân tộc trong cái thứ sản vật thật giản dị mà đặc sắc. – Ngòi bút đầy tinh tế và nhạy cảm.

– Chọn lọc chi tiết gợi lên nhiều liên tưởng và kỉ niệm.

Sài Gòn tôi yêu Minh Hương Tùy bút Những gắn bó và am hiểu tường tận cũng như cảm nhận tinh tế của tác giả về thành phố Sài Gòn và người Sài Gòn. Tình cảm thật sâu đậm của tác giả với thành phố Sài Gòn. – Ngôn ngữ được sử dụng đậm đà màu sắc Nam Bộ.

– Lối viết rất sáng tạo, hóm hỉnh, tươi trẻ.

Mùa xuân của tôi Vũ Bằng Tùy bút Cảnh sắc thiên nhiên và không khí mùa xuân ở thành phố Hà Nội và miền Bắc được cảm nhận, tái hiện thông qua nỗi nhớ thương da diết của một người dân xa quê. Biểu lộ chân thực và cụ thể tình yêu quê hương, yêu đất nước, một lòng quý trọng cuộc sống và tâm hồn tinh tế của tác giả. – Ngòi bút thật tài hoa, nhạy cảm.

– Lựa chọn những từ ngữ, câu văn rất linh hoạt, giàu hình ảnh.

– Có nhiều hình ảnh so sánh, hình ảnh liên tưởng độc đáo, hình ảnh giàu chất thơ.

Thể loại thơ:

Văn bản nhật dụng Nhật: là hàng ngày.

Dụng: là sử dụng.

Văn bản nhật dụng là thể loại văn bản đề cập đến những vấn đề thực tế hàng ngày, gần gũi với mỗi con người chúng ta.

Thất ngôn tứ tuyệt Một bài thơ gồm có bốn câu, mỗi câu gồm có bảy chữ.
Ngũ ngôn tứ tuyệt Một bài thơ gồm có bốn câu, mỗi câu gồm có năm chữ.
Lục bát Một cặp câu thơ gồm có một câu sáu chữ và một câu tám chữ.
Song thất lục bát Gồm bốn câu, theo thứ tự các câu là: bảy chữ, bảy chữ, sáu chữ, tám chữ.
Thất ngôn bát cú Một bài thơ gồm có tám câu, mỗi câu gồm có bảy chữ.

 

II. Đề cương kiến thức Tiếng Việt ngữ văn 7 học kì 1

1. Từ ghép và từ láy

Phân loại Ví dụ
Từ ghép Từ ghép chính phụ Gồm có tiếng chính và tiếng phụ. Tiếng phụ thì có chức năng bổ sung ý nghĩa cho tiếng chính. Tiếng phụ thường thường sẽ đứng ở vị trí: ở sau tiếng chính. Xe máy, đèn dầu
Từ ghép đẳng lập Gồm có các tiếng bình đẳng với nhau về mặt ngữ nghĩa và mặt ngữ pháp (không phân chia ra thành chính và phụ) Xăng dầu, ăn ở
Từ láy Từ láy toàn bộ Các tiếng được lặp lại hoàn toàn hoặc tiếng đứng trước thay đổi thanh điệu và phụ âm cuối (để tạo ra được sự uyển chuyển, hài hòa của âm thanh) Đỏ đỏ, vàng vàng, xanh xanh, nâu nâu
Từ láy bộ phận Giữa các tiếng thì có sự giống nhau về phần phụ âm hoặc phần vần. Xấu xí, rì rào, róc rách

2. Đại từ

Đại từ để hỏi Hỏi về người hoặc sự vật Ai, cái gì, gì, nào,…
Hỏi về số lượng Mấy, bao nhiêu,…
Hỏi về hoạt động, trạng thái, tính chất của sự việc Sao, sao vậy, làm sao vậy, làm sao, thế nào, như thế nào,…
Đại từ để trỏ (chỉ) Trỏ (hoặc chỉ) người hoặc sự vật Tôi, bạn, nó, hắn, ngươi,…
Trỏ (hoặc chỉ) số lượng Bấy, bấy nhiêu, bao nhiêu…bấy nhiêu…
Trỏ (hoặc chỉ) hoạt động, trạng thái, tính chất của sự vật Thế, đấy, vậy,…

Để tìm hiểu thêm về khái niệm và cách sử dụng của đại từ, các em có thể tham khảo bài viết: Đại từ là gì?

3. Quan hệ từ

– Sử dụng để biểu thị được các ý nghĩa quan hệ như nhận quả, so sánh, sở hữu… giữa những bộ phận của câu hay giữa các câu với nhau ở trong đoạn văn.

– Ví dụ: và, tuy, nếu, thì, vì, hễ, sở dĩ,…

– Khi sử dụng yếu tố quan hệ từ, ta cần tránh các lỗi:

+ Thiếu quan hệ từ.

+ Dùng quan hệ từ nhưng không thích hợp về ý nghĩa.

+ Thừa quan hệ từ.

+ Dùng quan hệ từ nhưng không với tác dụng liên kết.

4. Từ đồng nghĩa, đồng âm, trái nghĩa

* Từ đồng nghĩa

– Từ đồng nghĩa là những từ có ý nghĩa giống nhau hoặc là gần giống nhau.

– Phân loại:

+ Đồng nghĩa hoàn toàn (nghĩa là: không có sự phân biệt về sắc thái nghĩa).

Ví dụ: trái/quả.

+ Đồng nghĩa không hoàn toàn (nghĩa là: có sắc thái nghĩa khác nhau).

Ví dụ: tử vong/hy sinh/chết.

* Từ trái nghĩa

– Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa trái ngược nhau.

– Ví dụ:xinh/xấu.

* Từ đồng âm

– Từ đồng âm là những từ có sự giống nhau về mặt âm thanh nhưng ý nghĩa thì khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.

– Ví dụ: thu tiền/mùa thu.

5. Thành ngữ, chơi chữ, điệp ngữ

* Thành ngữ

– Là loại cụm từ mà có cấu tạo cố định, biểu thị được một ý nghĩa hoàn chỉnh.

– Ví dụ: tắt lửa tối đèn,  bảy nổi ba chìm.

– Nghĩa của thành ngữ có thể được bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của những từ tạo nên nó nhưng thường được thông qua một số phép chuyển nghĩa như là ẩn dụ, so sánh,…

– Ngắn gọn, có tính hình tượng, hàm súc, biểu cảm cao.

* Điệp ngữ

– Là biện pháp sử dụng lặp lại từ ngữ (hoặc một cụm từ, hoặc cả một câu) để làm nổi bật được ý, tạo dựng cảm xúc mạnh mẽ. Cách lặp lại từ ngữ hoặc câu như vậy thì được gọi là phép điệp ngữ, từ ngữ được lặp lại thì được gọi là điệp ngữ.

– Ví dụ:

“Vậy mà giờ đây, anh em tôi đã sắp phải xa nhau rồi. Có thể sẽ phải xa nhau mãi mãi. Lạy trời mong đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ mà thôi.”

(Khánh Hoài)

– Các dạng: điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

* Chơi chữ

– Lợi dụng sự đặc sắc về âm và về nghĩa của từ ngữ để tạo ra được sắc thái dí dỏm, hài hước,… làm cho câu văn thêm hấp dẫn và thú vị.

– Ví dụ: Con cá đối bỏ vào trong cối đá.

– Các lối chơi chữ:

+ Dùng từ ngữ đồng âm.

+ Dùng lối nói trại âm (hoặc gần âm).

+ Dùng cách điệp âm.

+ Dùng lối nói lái.

+ Dùng từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa, gắn nghĩa.

III. Đề cương ôn thi cuối kì 1 Ngữ văn 7 phần tập làm văn

1. Các dạng văn biểu cảm

– Dạng văn biểu cảm về đồ vật.

– Dạng văn biểu cảm về một loài vật mà em yêu quý.

– Dạng văn biểu cảm về loài cây em yêu.

– Dạng văn biểu cảm về người thân.

2. Bố cục bài văn biểu cảm

– Bố trí, sắp xếp các phần và các đoạn theo một hệ thống, một trình tự liền mạch, rành mạch và hợp lý.

– Ba phần rõ ràng: mở bài, thân bài và kết bài.

– Điều kiện để có một bố cục rành mạch và hợp lý:

+ Nội dung của các phần, các đoạn ở trong văn bản phải có sự thống nhất chặt chẽ với nhau, nhưng đồng thời giữa chúng phải có được sự phân biệt rạch ròi.

+ Trình tự sắp đặt các phần, các đoạn phải giúp được cho người viết dễ dàng đạt được mục đích giao tiếp đã được đặt ra.

Nắm trọn kiến thức ôn thi học kì 1 lớp 7 các môn với cuốn sổ tay kiến thức HOCMAI

B. CẤU TRÚC ĐỀ THI VĂN CUỐI KÌ 1 LỚP 7

1. Kiểm tra Đọc – Hiểu: Hình thức tự luận

Nhận biết – Thông hiểu (5 điểm) Kiểm tra về kiến thức kĩ năng của phần tiếng Việt và phần “Đọc – hiểu văn bản”.

2. Viết tập làm văn (5.0 điểm) Hình thức tự luận

Vận dụng cao: (5.0 điểm) Viết một bài văn tự sự hoặc bài văn biểu cảm. Chỉ có một đề duy nhất.

C. ĐỀ THI VĂN CUỐI KÌ 1 LỚP 7 (ĐỀ THI MẪU)

I. Đề thi tham khảo 1 (Ôn thi ngữ văn 7 học kỳ 1)

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MÙA XUÂN CỦA TÔI

Tự nhiên là như thế: ai chẳng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng lại là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trở nên trìu mến, chẳng có gì lạ hết. Ai mà bảo được non đừng thương nước, bướm đừng có thương hoa, trăng đừng có thương gió; ai mà cấm được trai thương gái, ai mà cấm được mẹ yêu con; ai mà cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì như vậy mới hết được người mê luyến mùa xuân.

Tôi yêu lắm dòng sông xanh, ngọn núi tím; tôi yêu đôi mày ai đó như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng mà yêu nhất mùa xuân không phải chỉ là vì thế.

Mùa xuân của tôi – mùa xuân của Hà Nội, mùa xuân Bắc Việt – là mùa xuân có cơn mưa riêu riêu, cái gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong những đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những bản thôn xóm xa xa, có vang câu hát huê tình của những cô gái đẹp như thơ mộng. . .

Người yêu cảnh, vào những lúc mà trời đất mang mang như vậy, khoác lên một cái áo lông, ngậm một ống điếu mà mở cửa đi ra ngoài tự nhiên có thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần phải uống rượu mạnh cũng như lòng mình đang say sưa một cái gì đó – có lẽ đó là sự sống.

Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi đã làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên thì không chịu được. Nhựa sống ở trong người cứ căng lên như máu căng lên ở trong lộc của loài nai, như mầm non của những cây cối, nằm im mãi thì không chịu được, phải trồi ra trở thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.

Cùng với mùa xuân quay trở lại, tim người ta dường như cũng có vẻ trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn vào những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá thì không còn lầy lội nữa mà là cái rét thoáng ngọt ngào, chớ không còn cái tê buốt căm căm nữa.

Y như những con vật đang nằm thu mình ở một nơi trốn rét khi thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng lại “sống” lại và thèm khát được yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà thôi mà lại cũng thấy yêu thương nữa.

Nhang trầm, đèn nến, và nhất là cái bầu không khí gia đình đoàn tụ thật êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng thể nói ra nhưng trong lòng thì lại cảm như có không biết bao nhiêu là nụ hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội để liên hoan.

(tác giả Vũ Bằng, “Thương nhớ mười hai”, NXB Văn học, Hà Nội, 1993)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Em hãy cho biết về văn bản “Mùa xuân của tôi” thuộc loại văn bản nào?

A) Tản văn

B) Truyện ngắn

C) Tùy bút

D) Hồi ký

Câu 2: Vũ Bằng đã tái hiện được cảnh sắc thiên nhiên và không khí mùa xuân của vùng nào?

A) Đồng bằng Bắc bộ

B) Duyên hải Nam trung bộ

C) Đồng bằng sông Cửu Long

D) Tây Nguyên

Câu 3: Mùa xuân được tác giả cảm nhận bằng những giác quan nào?

A) Thính giác, thị giác, xúc giác

B) Thính giác, vị giác, khứu giác

C) Thính giác, vị giác, xúc giác

D) Thính giác, xúc giác, khứu giác

Câu 4: Vẻ đẹp của mùa xuân ở trong văn bản “Mùa xuân của tôi” đã được miêu tả như thế nào?

A) Sống động và tươi tắn

B) U buồn và lạnh lẽo

C) Nồng cháy và trong sáng

D) Ấm áp và se lạnh

Câu 5: Đoạn trích “Mùa xuân của tôi”, đã nói về cảnh sắc của thiên nhiên, không khí của mùa xuân,…được tái hiện ở trong nỗi nhớ da diết của một người dân xa quê, đúng hay sai?

A) Đúng

B) Sai

Câu 6. Ý nghĩa của văn bản bên trên là gì?

A) Sự gắn bó máu thịt giữa con người đối với quê hương, xứ sở – một biểu hiện cụ thể cho tình yêu đất nước.

B) Cảnh sắc của thiên nhiên, không khí của mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc đã được cảm nhận và tái hiện trong một nỗi nhớ thương đầy da diết của một người xa quê.

C) Sự gắn bó máu thịt giữa con người đối với quê hương, tái hiện được nỗi nhớ da diết của một con người xa quê.

D) Cảnh sắc của thiên nhiên, không khí của mùa xuân ở mảnh đất Hà Nội – một biểu hiện cụ thể cho tình yêu đất nước.

Câu 7: Trong câu văn: Đào hơi phai nhưng mà nhụy vẫn còn phong [. . . ] trong văn bản “Mùa xuân của tôi”, từ “phong” ở đây có nghĩa là gì?

A) Bọc kín.

B) Oai phong.

C) Cơn gió.

D) Đẹp đẽ.

Câu 8: Công dụng của dấu chấm lửng ở trong đoạn văn sau: Mùa xuân của tôi – mùa xuân của Hà Nội, mùa xuân Bắc Việt – là mùa xuân có cơn mưa riêu riêu, cái gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong những đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những bản thôn xóm xa xa, có vang câu hát huê tình của những cô gái đẹp như thơ mộng. . .

A) Còn nhiều sự vật và hiện tượng tương tự chưa được liệt kê hết.

B) Thể hiện ở chỗ lời bỏ dở hay ngập ngừng và ngắt quãng.

C) Làm giãn ra nhịp điệu câu văn.

D) Biểu thị lời trích dẫn đã bị lược bớt.

Câu 9: Qua văn bản ở trên, em hãy nêu ra những đặc trưng khi mùa xuân về trên mảnh đất quê hương em?

Câu 10: Em thường làm gì để cùng với gia đình mình đón Tết vui vẻ? (Hãy nêu từ 02 việc trở lên)

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 400 đến 500 chữ) để phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em đã có ấn tượng sâu sắc.

  • Đáp án đề thi 1 (Ôn thi ngữ văn 7 học kỳ 1)

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 C 0,5
2 A 0,5
3 A 0,5
4 D 0,5
5 A 0,5
6 A 0,5
7 D 0,5
8 A 0,5
9 HS trả lời được về những nét đặc trưng khi mùa xuân đến ở nơi mà mình đang sinh sống. 1,0
10 HS nêu ra được ít nhất 02 việc làm mà phụ giúp được ba mẹ khi chuẩn bị đón Tết vui vẻ. 1,0
II VIẾT 4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Phần mở bài nêu được vấn đề, phần thân bài triển khai được vấn đề, phần kết bài khái quát lại được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: suy nghĩ của cá nhân về đặc điểm của một nhân vật văn học mà em đã có ấn tượng sâu sắc. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS triển khai được vấn đề theo nhiều cách thức, nhưng cần vận dụng tốt những thao tác lập luận, sử dụng kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; sau đây là một vài gợi ý:

– Giới thiệu qua về tác giả và tác phẩm.

– Giới thiệu về nhân vật văn học mà em đã có ấn tượng sâu sắc.

– Phân tích được đặc điểm của nhân vật văn học (ví dụ: ngoại hình, tính cách, cử chỉ, hành động,…).

– Đưa ra lý lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ đặc điểm của nhân vật.

– Khẳng định lại ý kiến nhận xét về một nhân vật văn học, nêu cảm nghĩ của em về nhân vật đó.

2. 5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo đúng chuẩn chính tả và ngữ pháp Tiếng Việt.

0,5
e. Sáng tạo:

Bố cục mạch lạc, rõ ràng, lý lẽ và dẫn chứng phù hợp.

0,5

II. Đề thi tham khảo 2 (Ôn thi ngữ văn 7 học kì 1)

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau đó thực hiện các yêu cầu:

GIÁ TRỊ CỦA HÒN ĐÁ

Có một học trò tới hỏi thầy mình rằng:

– Thưa thầy, giá trị của cuộc sống này là gì ạ?

Người thầy cúi lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn rằng:

– Con hãy đem hòn đá này ra chợ nhưng không được phép bán nó đi, chỉ cần để ý xem là người ta trả giá bao nhiêu.

Vâng lời thầy, người học trò đã mang hòn đá ra chợ để bán. Mọi người không thể hiểu nổi tại sao anh lại đem bán một hòn đá xấu xí đến như vậy. Ngồi cả ngày, có một người bán rong thương tình đã tới hỏi và đã trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá trở về và than thở:

– Hòn đá xấu xí này chẳng có ai thèm mua. Cũng may có một người hỏi mua với giá một đồng thầy ạ.

Người thầy đã mỉm cười và nói:

– Tốt lắm, ngày mai con hãy lại mang hòn đá vào trong tiệm vàng và bán nó cho chủ tiệm, nhớ rằng là dù chủ cửa hàng vàng có muốn mua thì cũng không được bán.

Người học trò đã rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá cho hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức về hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy đã cười và nói:

– Ngày mai con hãy đem hòn đá đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối không được bán nó, chỉ có hỏi giá mà thôi.

Làm theo lời thầy đã dặn, sau một hồi xem xét thì anh rất vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu đã trả giá hòn đá là cho cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội quay về kể lại với thầy. Tới lúc này người thầy mới chậm rãi nói:

– Hòn đá này thực chất chính là một khối ngọc cổ rất quý giá, đáng giá cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như là hòn đá kia, có người hiểu và có người thì không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận được thì giá trị cuộc sống chẳng đáng bằng một xu, còn với người hiểu thì nó lại đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy và cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên được sự khác biệt này là sự hiểu biết của con và cách mà con nhìn nhận cuộc sống.

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính ở văn bản trên là:

A) Biểu cảm

B) Miêu tả

C) Tự sự

D) Nghị luận

Câu 2. Chủ đề của văn bản ở trên là:

A) Giá trị cuộc sống

B) Lòng biết ơn

C) Đức tính trung thực

D) Lòng hiếu thảo

Câu 3. Câu chuyện ở trong tác phẩm là lời kể của ai?

A) Người học trò

B) Người kể chuyện

C) Hòn đá

D) Người thầy

Câu 4. Vì sao người thầy ở trong câu chuyện lại yêu cầu người học trò của mình mang hòn đá xấu xí để đi hỏi giá mà lại không cho bán?

A) Để người học trò có thể hiểu được giá trị to lớn của hòn đá.

B) Để người học trò có thể biết được hòn đá là một viên ngọc quý, tuyệt đối không được bán.

C) Để người học trò có thể nhận ra giá trị của hòn đá thông qua cách định giá của những người hiểu và không thể hiểu về nó, từ đó có thể rút ra bài học về cách nhìn nhận về cuộc sống.

D) Để người học trò có thể nhận ra giá trị của hòn đá. Tuy rằng vẻ bề ngoài xấu xí nhưng thực chất nó lại là một khối ngọc quý đáng giá cả một gia tài.

Câu 5. Những từ nào sau đây là từ láy bộ phận?

A) Xem xét, xấu xí, nhìn nhận

B) Than thở, háo hức, xem xét

C) Háo hức, nhìn nhận, xem xét

D) Xấu xí, háo hức, than thở

Câu 6. Chi tiết tiêu biểu ở trong văn bản trên là:

A) Hòn đá

B) Người học trò

C) Người thầy

D) Chủ tiệm đồ cổ

Câu 7. Cụm từ “ngồi cả ngày” trong câu văn: Ngồi cả ngày, có một người bán rong thương tình đã tới hỏi và đã trả giá hòn đá một đồng là thành phần mở rộng của câu bởi?

A) Trạng ngữ

B) Cụm danh từ

C) Cụm động từ

D) Cụm tính từ

Câu 8. Tác dụng của phép điệp từ “bán” và “mua” ở trong văn bản trên có tác dụng gì?

A) Thể hiện được công việc mà người học trò đang phải làm theo lời dặn của thầy mình, qua đó phê phán được sự thiếu chủ động, sự thiếu tích cực trong cách sống và cách làm việc của cậu học trò.

B) Thể hiện được công việc của người học trò làm theo lời dặn của thầy để người học trò nhận ra được giá trị của hòn đá, từ đó có thể rút ra bài học về cách nhìn nhận cuộc sống.

C) Thể hiện được sự thiếu chủ động, thiếu tích cực của người học trò trong việc học tập và trong cuộc sống.

D) Thể hiện được công việc của người học trò làm theo những lời dặn của thầy, qua đó nhấn mạnh vào giá trị của hòn đá.

Câu 9. Thông điệp mà em cảm thấy tâm đắc nhất sau khi đọc văn bản bên trên là gì?

II. VIẾT (4,0 điểm)

Em hãy viết một bài văn ngắn để trình bày cảm xúc của em về người mẹ kính yêu của mình.

 

  • Đáp án đề thi 2 (Ôn thi ngữ văn 7 học kì 1)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 C 0,5
2 A 0,5
3 B 0,5
4 C 0,5
5 D 0,5
6 A 0,5
7 C 0,5
8 B 0,5
9 HS hãy viết đoạn văn 8-10 dòng để nêu được cụ thể thông điệp và lý do chọn thông điệp.

HS có thể tham khảo lựa chọn những thông điệp sau:

– Mỗi người thì có một cách “định giá” khác nhau về thành công và hạnh phúc. Hãy tôn trọng lấy sự lựa chọn của mỗi người và làm cho cuộc đời của mình trở nên giá trị theo cách của riêng mình. Chỉ có mỗi bạn mới quyết định được cuộc sống của riêng bạn.

– Hãy trân trọng những gì mà mình đang có bởi vì cuộc sống tốt đẹp hay không đều là do cách bạn suy nghĩ và cảm nhận.

2,0
II VIẾT 4,0
a. Đảm bảo được bố cục bài văn biểu cảm về con người gồm đầy đủ 3 phần: MB, TB và KB. 0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Biểu cảm về người mẹ kính yêu của mình.

0,25
c. Trình bày cảm xúc của em về người mẹ kính yêu của mình

1. Mở bài:

· Giới thiệu sơ lược người mẹ mà em hết lòng yêu quý.

· Tình cảm và ấn tượng của em về mẹ.

2. Thân bài

a. Giới thiệu một vài nét tiêu biểu của mẹ: Mái tóc, nụ cười, ánh mắt, giọng nói.

· Hoàn cảnh kinh tế của gia đình … công việc làm hiện tại của mẹ, tính cách, phẩm chất.

b. Tình cảm, thái độ của mẹ đối với những người xung quanh

· Ông bà nội, ngoại, với chồng con, với cô dì chú bác …

· Với bà con họ hàng, làng xóm xung quanh …

c. Gợi lại những kỉ niệm đáng nhớ của em với mẹ.

· Nêu những suy nghĩ và mong muốn sâu kín của em đối với mẹ.

3. Kết bài:

· Ấn tượng, cảm xúc của em đối với mẹ mình.

· Liên hệ bản thân … lời hứa.

3,0

0,5

2,0

0,5

d. Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo được đúng chuẩn chính tả và ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo:

Có sự sáng tạo trong việc dùng từ, diễn đạt, lựa chọn từ ngữ, sử dụng hình ảnh thơ giàu sắc thái biểu cảm.

0,25

Vậy là chúng ta đã cùng nhau hoàn thành bài Đề cương ôn thi học kì 1 ngữ văn lớp 7 rồi các em học sinh khối 7 thân yêu. HOCMAI mong rằng các em sẽ thật chăm chỉ học tập và ôn luyện để đạt điểm số mà mình đã đặt mục tiêu nhé. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài học bổ ích, những loại câu quan trọng nữa nhé!