Tiếp tục với kiến thức từ bài giảng về các Các phương châm hội thoại ở bài học trước. Trong bài học hôm nay, các em học sinh sẽ cùng HOCMAI tìm hiểu về Soạn bài Các phương châm hội thoại (tiếp theo) ở các trang 21 và trang 36 trong chương trình Ngữ văn 9.
Bài viết tham khảo thêm:
- Soạn bài Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh
- Soạn bài Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh
- Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình
Soạn bài Các phương châm hội thoại (tiếp theo) – Trang 21
I. Phương châm quan hệ
Phương châm quan hệ được hiểu là: Khi tranh luận, hội thoại, người hội thoại cần tập trung đúng chủ đề đấy, tránh nói lạc đề.
Trả lời câu hỏi | Trang 21 SGK Ngữ Văn 9 – Tập 1
Trong Tiếng việt có câu thành ngữ là: “ông nói gà, bà nói vịt”. Câu thành ngữ này dùng để chỉ tình huống hội thoại nào? Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện những tình huống hội thoại giống như vậy? Qua đó em có thể rút ra bài học gì trong giao tiếp?
Gợi ý:
– Câu thành ngữ “Ông nói gà, bà nói vịt” sử dụng để chỉ tình huống hội thoại là: Khi Ông đang nói về nội dung này nhưng bà lại nói đến một nội dung khác, không liên quan gì đến nhau.
– Khi tình huống này xảy ra thì đoạn hội thoại giữa hai người sẽ trở nên vô nghĩa, những người giao tiếp không hiểu được đối phương đang nói tới vấn đề gì.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, người giao tiếp cần phải nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh việc nói lạc đề vì điều này vi phạm phương châm quan hệ.
II. Phương châm cách thức
Phương châm cách thức được hiểu là: Khi giao tiếp, người hội thoại cần chú ý nói ngắn gọn và rành mạch, tránh cách nói mơ hồ.
Câu 1 | Trang 21 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Trong tiếng Việt có hai câu thành ngữ là: dây cà ra dây muống và lúng búng như ngậm hột thị. Hai câu thành ngữ này dùng để chỉ cách nói gì? Những cách nói đấy ảnh hưởng đến giao tiếp ra sao? Qua đó em có thể rút ra bài học gì trong giao tiếp?
Gợi ý:
– Ý nghĩa: Hai câu thành ngữ này chỉ cách nói chuyện dài dòng, không nói vào đúng trọng tâm của vấn đề.
– Ảnh hưởng: Khiến cho những người tham gia giao tiếp cảm thấy khó hiểu, vậy nên không đạt được hiệu quả trong giao tiếp.
– Bài học rút ra: Trong giao tiếp cần phải tuân thủ cách nói rõ ràng, mạch lạc và cần tránh những nội dung không cần thiết.
Câu 2 | Trang 21 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Có thể hiểu câu sau đây theo bao nhiêu cách (Chú ý: Cách hiểu tùy thuộc vào việc xác định được tổ hợp từ của ông ấy bổ nghĩa cho từ ngữ nào)?
Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy.
Để người nghe không hiểu lầm thì người giao tiếp phải nói như thế nào? Như vậy, trong giao tiếp cần tuân thủ những điều gì?
Gợi ý:
– Ta có thể hiểu câu trên theo hai cách là:
- Cách 1: Đồng ý với những đánh giá, nhận xét của mọi người về truyện ngắn ông ấy sáng tác.
- Cách 2: Đồng ý với những đánh giá, nhận xét trong truyện ngắn của ông ấy.
– Để người nghe không hiểu lầm thì người giao tiếp cần nói rõ ràng, cụ thể hơn về đối tượng mà “tôi đồng ý”.
– Bài học rút ra: Trong giao tiếp cần nói rõ ràng, cụ thể về nội dung giao tiếp, tránh cách nói mơ hồ (vi phạm phương châm cách thức).
III. Phương châm lịch sự
Phương châm lịch sự được hiểu là: Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng đối với người khác.
Trả lời câu hỏi | Trang 22 SGK Ngữ Văn 9 – Tập 1
Đọc truyện dưới đây và trả lời câu hỏi.
Vì sao mà người ăn xin và cậu bé trong truyện trên đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một thứ gì đó? Từ đó em có thể rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?
Gợi ý:
– Cả cậu bé và người ăn xin đều cảm thấy được mình đã nhận được một điều gì đó qua cách trò chuyện lịch sử, tôn trọng và đầy tình cảm của đối phương.
- Cậu bé: Nhận được sự tôn trọng của người nghèo khổ, khó khăn.
- Người ăn xin: Nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ, tình cảm của cậu bé.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng đối với người khác (Phương châm lịch sự)
IV. Luyện tập
Câu 1 | Trang 23 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu ví dụ như:
a) |Lời chào cao hơn mâm cỗ|
b) |Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau|.
c) |Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời|.
Qua những câu ca dao, tục ngữ đó, cha ông đã khuyên dạy chúng ta điều gì? Hãy tìm thêm một số câu ca dao, tục ngữ có nội dung tương tự.
Gợi ý:
– Qua những câu ca dao, tục ngữ, ông cha ta muốn khuyên dạy chúng ta những điều:
- Cách ăn nói, nói chuyện trong cuộc sống vô cùng quan trọng.
- Con người khi giao tiếp cần phải tế nhị và tôn trọng người khác.
– Một số câu ca dao, tục ngữ có nội dung tương tự:
- Tục ngữ: Ăn có nhai, nói có nghĩ | Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời | Lời nói, gói vàng,…
- Ca dao:
|Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe|.
—
|Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu|.
—
|Vàng thời thử lửa, thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời|.
Câu 2 | Trang 23 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Phép tu từ từ vựng nào đã được học (ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nhân hóa, nói quá, điệp ngữ, nói giảm nói tránh) có liên quan trực tiếp tới phương châm lịch sử là phép tu từ nào? Cho ví dụ.
Gợi ý:
– Phép tu từ đó chính là: Nói giảm nói tránh.
– Cho ví dụ: Ông ấy đã đi rồi, các cháu ạ.
Từ “đi” sử dụng biện pháp tu từ nói giảm, nói tránh (thay cho từ chết) => Vừa thể hiện được sự tôn kính, lịch sử lại vừa giúp người nghe bớt cảm thấy đau lòng.
Câu 3 | Trang 23 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Chọn từ ngữ thích hợp để điền vào chỗ trống:
a) Nói dịu nhẹ như là khen, nhưng thật ra là chê trách, mỉa mai là |…|
b) Nói trước lời người khác chưa kịp nói là |…|
c) Nói nhằm để châm chọc điều không hay của người khác theo một cách cố ý là |…|
d) Nói chen vào câu chuyện của người trên khi không được hỏi đến là |…|
e) Nói rành mạch, cặn kẽ và có trước có sau là |…|
(nói móc, nói leo, nói ra đầu ra đũa, nói mát, nói hớt)
Cho biết mỗi từ ngữ trên chỉ cách nói liên quan tới phương châm hội thoại nào?
Gợi ý:
a) nói mát
b) nói hớt
c) nói móc
d) nói leo
e) nói ra đầu ra đuôi
=> Nhận xét:
- Phương châm lịch sự: nói mát, nói móc, nói hớt, nói leo.
- Phương châm cách thức là “nói ra đầu ra đũa”.
Câu 4 | Trang 23 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Vận dụng các phương châm hội thoại đã được học để giải thích vì sao đôi khi người nói phải dùng những cách nói chuyện như:
a) nhân tiện đây xin cho hỏi;
b) cực chẳng đã tôi mới phải nói | tôi nói điều này có ý gì không phải anh bỏ qua cho | biết là làm anh không vui, nhưng…| xin lỗi, có thể anh không cảm thấy hài lòng nhưng tôi cũng đành phải thành thực mà nói là…|
c) đừng nói leo, đừng ngắt lời người khác như thế | đừng có nói cái giọng đó với tôi.
Gợi ý:
a) Khi người nói muốn được hỏi một câu không đúng với nội dung, chủ đề giao tiếp, sử dụng cụm từ ở trên để tránh phải vi phạm phương châm quan hệ.
b) Khi người nói muốn được đề cập đến những vấn đề tiêu cực của người nghe, nhưng muốn giảm nhẹ đi để tránh phải vi phạm phương châm lịch sự.
c) Khi người nói muốn nhắc nhở người khác không nên có những lời nói thể hiện sự thiếu tôn trọng với người xung quanh, tránh vi phạm phương châm lịch sử.
Câu 5 | Trang 24 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Giải thích ý nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết từng thành ngữ liên quan đến phương châm hội thoại nào: nói như đấm vào tai | nói băm nói bổ | điều nặng tiếng nhẹ | nửa úp nửa mở | mồm loa mép giải | đánh trống lảng | nói như dùi đục chấm mắm cáy.
Gợi ý:
– Nói băm nói bổ → Nói ra với ý xỉa xói, không dễ nghe (Phương châm lịch sự)
– Nói như đấm vào tai →Nói ra những lời khó nghe, khiến người nghe cảm thấy sự khó chịu, đau đớn (Phương châm lịch sự)
– Điều nặng tiếng nhẹ → Nói ra để chỉ trích, đặt lỗi lầm lên người nghe (Phương châm lịch sự)
– Nửa úp nửa mở: Nói chuyện không rõ ràng và mơ hồ (Phương châm cách thức)
– Mồm loa mép giải: Chỉ cách nói to tiếng, lắm lời (Phương châm lịch sự)
– Đánh trống lảng → Chỉ sự cố tình nói sang một vấn đề khác, không đúng với nội dung cuộc giao tiếp (Phương châm quan hệ)
– Nói như dùi đục chấm mắm cáy → Nói một cách thô tục, thiếu tế nhị (Phương châm lịch sự)
Soạn bài Các phương châm hội thoại (tiếp theo) – Trang 36
I. Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp
Việc vận dụng các phương châm hội thoại cần phải phù hợp với đặc điểm của tình huống giao tiếp:
- Nói với ai?
- Nói khi nào?
- Nói ở đâu?
- Nói để làm gì?
Trả lời câu hỏi | Trang 36 SGK Ngữ Văn 9 – Tập 1
Đọc truyện cười “Chào hỏi “ sau và trả lời câu hỏi:
Nhân vật chàng rể trong câu chuyện trên có tuân thủ đúng phương châm lịch sự không? Vì sao em lại nhận xét như vậy? Có thể rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?
Gợi ý:
– Nhân vật chàng rể ở trong câu chuyện cười “Chào hỏi” đã không tuân thủ phương châm lịch sự.
– Lý do vì: Chàng rể đã không quan tâm tới tình huống giao tiếp. Người được hỏi đang trong lúc làm việc, mà chàng rể lại gọi người đó xuống chỉ để hỏi là “Bác làm việc vất vả lắm không?”. Hành động này của chàng rể là đang quấy rầy, làm phiền người khác.
– Bài học rút ra: Khi giao tiếp thì chúng ta cần chú ý tới tình huống giao tiếp.
II. Những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại.
Việc không tuân thủ theo các phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
– Người nói vô ý, vụng về hoặc thiếu văn hóa giao tiếp.
– Người nói cần phải ưu tiên cho một yêu cầu hoặc một phương chậm hội thoại khác quan trọng hơn.
– Người nói muốn gây nên sự chú ý, để người nghe có thể hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.
Câu 1 | Trang 37 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Đọc kĩ các ví dụ đã được phân tích khi được học về các phương châm hội thoại (phương châm về lượng | phương châm về chất | phương châm quan hệ | phương châm cách thức | phương châm lịch sự) và cho biết rằng trong những tình huống nào thì phương châm hội thoại không được tuân thủ.
Gợi ý:
Ngoài hai tình huống trong phần phương châm lịch sự thì các tình huống còn lại đều không tuân thủ theo phương châm hội thoại.
Câu 2 | Trang 37 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Đọc đoạn đối thoại sau đây, chú ý tới những từ ngữ được in đậm và trả lời câu hỏi.
An: Cậu có biết chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo ra vào năm nào không?
Ba: Đâu đó khoảng đầu thế kỉ XX.
Câu trả lời của Ba đã đáp ứng được nhu cầu thông tin đúng như An mong muốn hay không? Phương châm hội thoại nào đã không được tuân thủ không? Vì sao người nói không tuân thủ phương châm hội thoại đấy?
Gợi ý:
– Câu trả lời của Ba đã không đáp ứng được nhu cầu thông tin của An.
– Phương châm đã bị vi phạm: Phương châm về lượng (Khi An hỏi về năm thì Ba lại trả lời về thế kỷ).
– Lý do: Do người nói không biết được chắc chắn chiếc máy bay đầu tiên ra đời vào năm nào, vậy nên đã trả lời vào đầu thế kỉ XX để tránh phải vi phạm phương châm về chất.
Câu 3 | Trang 37 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Khi bác sĩ nói với một người mắc căn bệnh nan y về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đó thì phương châm hội thoại nào có thể sẽ không được tuân thủ? Vì sao bác sĩ phải làm điều đó? Hãy tìm thêm những tình huống giao tiếp khác mà phương châm ấy cũng không được tuân thủ.
Gợi ý:
– Phương châm về chất là phương châm không được tuân thủ: Người bác sĩ đã nói những điều mà chính bản thân bác sĩ cũng không tin là thật.
– Lý do: Người bác sĩ phải làm như vậy để an ủi và đem đến niềm hy vọng tới bệnh nhân. Người bệnh nhân khi ấy sẽ có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật. Đôi khi khi nói ra sự thật, bệnh nhất trở nên bi quan, thậm chí là không muốn tiếp tục cố gắng để sống tiếp.
– Một số trường hợp khác:
- Bố mẹ thường nhường những món ăn ngon cho con cái và nói rằng bản thân không thích ăn những món đó.
- Khi bố hoặc mẹ mất đi, người thân sẽ nói dối với những đứa trẻ rằng bố | mẹ đã đi công tác tại một nơi xa, phải rất lâu nữa mới trở về,…
Câu 4 | Trang 37 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Khi nói câu “Tiền bạc chỉ là tiền bạc” thì có phải người nói đã không tuân thủ phương châm về lượng? Phải hiểu ý nghĩa của câu nói này như thế nào?
Gợi ý:
– Về nghĩa: Câu nói nhắc tới một sự thật hiển nhiên, không gợi ra thêm ý nghĩa mới.
– Về mặt hàm ý: Cố tình vi phạm về phương châm về lượng, nhằm nhấn mạnh rằng trong cuộc sống thì tiền bạc chỉ là phương tiện cần có, chứ nó không phải là tất cả.
III. Luyện tập
Câu 1 | Trang 38 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Đọc mẩu chuyện sau và trả lời câu hỏi.
Một cậu bé 5 tuổi đang chơi quả bóng nhựa ở phòng đọc sách của bố. Quả bóng văng vào ngăn dưới một kệ sách. Cậu bé tìm mãi không được, bèn hỏi ông bố. Ông bố liền đáp:
– Quả bóng nằm ngay gần dưới cuốn “Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao” ở kia kìa.
Câu trả lời của ông bố trong đoạn hội thoại không tuân thủ theo phương châm hội thoại nào? Phân tích để làm rõ về sự vi phạm ấy.
Gợi ý:
– Câu trả lời của người bố đã vi phạm về phương châm cách thức.
– Câu trả lời khi đặt vào trường hợp người tiếp nhận là một đứa trẻ mới có 5 tuổi chưa hiểu biết hết các chữ cái. Cậu bé sẽ cảm thấy mơ hồ và không hiểu rõ được cuốn Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao nằm ở đâu.
Câu 2 | Trang 38 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1
Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi.
Thái độ và lời nói của Chân, Tay, Tai và Mắt đã vi phạm về phương châm nào trong giao tiếp? Việc không tuân thủ theo phương châm ấy có lý do chính đáng nào không? Vì sao?
Gợi ý:
– Phương châm lịch sự là phương châm đã vi phạm.
– Việc không tuân thủ theo Phương châm lịch sự là có lý do chính đáng. Vì trong tình huống này, cả Chân, Tay, Tai và Mắt đều tức giận khi mình phải làm việc cực nhọc, trong khi lão Miệng chỉ biết hưởng thụ và không chịu làm việc. Nên tất cả đều đã không thèm chào lão Miệng mà nói thẳng luôn mục đích khi đến gặp lão.
Trên đây là toàn bộ nội dung của bài hướng dẫn Soạn bài Các phương châm hội thoại (tiếp theo) ở các trang 21 và trang 36 trong SGK Ngữ văn 9 do HOCMAI tổng hợp và biên soạn gửi tới các em học sinh. Nếu thấy bài học bổ ích, hãy dùng nó làm tài liệu để chuẩn bị tốt bài soạn văn của mình nhé!