Soạn bài Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng (Ngữ văn 8)

0
1694
soan-bai-luyen-noi-thuyet-minh-ve-mot-thu-do-dung

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng, nằm trong chương trình Soạn bài Ngữ văn 8. Các em tham khảo và áp dụng vào bài soạn của mình nhé. Phương pháp thuyết minh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta đấy, bởi chúng ta sử dụng phương pháp này trong rất nhiều tác vụ khác nhau trong sinh hoạt thường ngày.

Bài viết tham khảo thêm:

I. Hướng dẫn chuẩn bị (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 | Trang 144)

Đề bài: Các em hãy thuyết minh về cái phích nước (bình thủy).

Gợi ý

Bài nói cần nêu rõ được cấu tạo, nguyên lý hoạt động, công dụng và cách bảo quản cái phích nước, thứ đồ dùng thông dụng có trong mỗi gia đình chúng ta.

Lưu ý quan sát, nghiên cứu và tìm hiểu những bộ phận cấu tạo thành vật dụng này.

Bộ phận quan trọng nhất của cái phích nước đó chính là ruột phích với chức năng chính là để giữ nhiệt. Ruột phích được cấu tạo bởi hai lớp thủy tinh, ở giữa hai lớp là khoảng chân không làm mất khả năng trao đổi nhiệt, để nhiệt từ bên trong không bị truyền ra bên ngoài. Mặt trong của lớp thủy tinh người ta tráng một lớp thủy ngân CG mỏng với tác dụng hắt nhiệt trở lại đế giữ nhiệt. Miệng phích nước bao giờ cũng có kích thước nhỏ nhằm làm giảm khả năng truyền nhiệt.

Nhờ vậy mà cái phích nước trong vòng 6 tiếng đồng hồ nước đựng bên trong từ 100 độ chỉ giảm xuống 70 độ.

Vỏ phích thường được làm bằng kim loại đế bảo quản ruột phích an toàn chắc chắn.

Chú ý đừng để phích ngã hoặc rơi để khỏi vỡ.

Để làm được bài nói này, học sinh dự kiến chuẩn bị dàn ý đủ cả ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Các em cũng nên lựa chọn trước những phương pháp thuyết minh phù hợp với mình.

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần được thuyết minh.

2. Thân bài:

– Lịch sử ra đời của cái bình thủy (cái phích nước)

– Cấu tạo: Phích nước được tạo ra với mục đích là giữ nhiệt, chống sự truyền nhiệt của nước, gồm hai bộ phận: vỏ phích và ruột phích. Trong đó thì ruột phích là bộ phận tối quan trọng nhất.

– Cách sử dụng: Khi ta rót nước nóng vào trong phích phải rót từ từ để ruột phích có thời gian để thích nghi với nhiệt độ cao thì phích sẽ bền hơn, lâu hỏng hơn khi chúng ta không làm như vậy. Khi rót nước xong phải đậy lại nút phích thật cẩn thận.

– Cách bảo quản: làm một chiếc khung bằng gỗ để đặt phích và cố định, giữ chặt lấy phích. Đặt khuôn giữ phích ở vị trí khô ráo, sạch sẽ, tránh nơi nhiệt độ cao và xa tầm tay của trẻ em.

– Công dụng, ý nghĩa: là đồ dùng để giữ nhiệt cho nước nóng lâu hơn, rất thông dụng và hầu hết gia đình nào cũng có.

3. Kết bài: Tổng kết lại vấn đề.

II. BÀI MẪU (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 | Trang 144)

Phích nước là đồ dùng rất thông dụng có chức năng giữ nhiệt cho nước nóng và hầu hết thường có trong mọi gia đình.

Phích nước có rất nhiều loại và nhiều kích cỡ được làm từ những vật liệu khác nhau, có hình dáng và cấu tạo khác nhau, về hình dáng phích nước thì thường có hình trụ, cao khoảng từ 35 đến 40cm, giúp cho phích có thể dễ dàng đứng thẳng mà không bị đổ.

Về cấu tạo: Phích nước được cấu tạo theo nguyên lý chống sự dẫn truyền nhiệt của nước, được chia ra làm hai bộ phận chính: ruột phích và vỏ phích. Ruột phích là bộ phận tối quan trọng nhất. Nó được cấu thành từ hai lớp thuỷ tinh. Ở giữa hai lớp thủy tinh là môi trường chân không làm mất khả năng tản nhiệt của nước ra bên ngoài, ở phía trong lòng và ngoài của ruột phích là lớp thuỷ tinh được tráng bạc (hoặc thủy ngân) có tác dụng hắt nhiệt trở lại để giữ nhiệt bên trong. Gắn với chiếc miệng nhỏ nhắn là cái nút có thể làm bằng gỗ hoặc bằng nhựa cứng luôn vừa khớp với miệng phích để cản trở sự thoát hơi nước và sự đối lưu truyền nhiệt của nước.

Ruột phích có hiệu quả lưu trữ nhiệt lượng cho nước rất tốt, trong vòng sáu tiếng đồng hồ, nước từ 100 độ còn giữ được xuống tầm 70 độ sẽ đảm bảo sử dụng nước ấm nóng được lâu và nước sẽ có đủ nhiệt để pha chế trà, cà phê… tạo nên một nét đẹp văn hoá vừa mang tính chất cổ truyền của dân tộc vừa mang trong mình một phong cách hiện đại còn gọi là nét văn hoá “cafe” đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì ruột của phích được làm bằng hai lớp thuỷ tinh nên rất dễ bị vỡ. Vì vậy vỏ phích là lớp để bảo quản ruột phích như là một tấm bình phong, vỏ phích những ngày xưa trước có thể làm bằng tre, nhôm, mây, sắt… Ngày nay với sự phát triển của công nghiệp nhựa, vỏ phích cũng được thay thế dần bằng nhựa cứng vừa nhẹ, rẻ, đẹp lại vừa bền và tốt. Gắn trên vỏ phích là một chiếc quai bằng nhựa hoặc sắt… tuỳ theo từng loại phích, chiếc quai đó có thể quay trước quay sau một cách dễ dàng giúp chúng ta có thể xách di chuyển đi chỗ khác mà không phải nặng nề, khó khăn bưng bê, di chuyển. Trên chiếc nút phích chính là nắp phích, nó có chức năng năng bảo vệ nút phích không cho trẻ em nghịch ngợm dễ gây bỏng nước nóng. Nút phích có băng các lớp ren xoáy chặt với miệng phích. Chiếc nắp phích đó có thể dùng với chức năng như cốc đựng nước cũng được.

Để bảo quản phích lâu hỏng ta nên làm thêm một chiếc khung bằng gỗ để đặt phích và giữ chặt, ôm lấy phích. Đặt khuôn giữ phích ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nơi nhiệt độ cao và để xa tầm tay của trẻ em. Nếu để phích không đúng quy cách và không cẩn thận có thể gây tai nạn bỏng nặng vì phích giữ nhiệt cho nước sôi khá lâu.

Điều quan trọng nhất là ta phải gìn giữ chiếc nút phích, vì nút phích có chức năng để giữ khoảng chân không góp phần làm giảm khả năng truyền nhiệt của nước. Chúng ta cần rất cẩn thận và lưu ý khi rót nước nóng vào phích phải rót từ từ, chậm rãi để ruột phích có thời gian thích nghi với lượng nhiệt cao thì phích sẽ bền hơn, lâu hỏng hơn khi chúng ta không làm như vậy. Khi rót nước xong phải đậy nút phích chặt, kín, cẩn thận. Đối với nút phích bằng nhựa thì phải xoáy vào đúng ren, xoáy thật chặt, còn với nút phích bằng gỗ ta cũng phải đậy cho vừa khít để nước nóng được lâu. Nếu chúng ta không làm đúng cách thì ruột phích sẽ nhanh chóng hỏng vì không khí bên ngoài sẽ xâm nhập vào ruột phích.

Phích nước là một đồ dùng vô cùng tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Nó như người đồng hành tri kỷ trong mỗi gia đình. Sáng sớm, người nông dân mang phích nước nóng ra đồng, pha ấm trà nóng và rít điếu thuốc lào khi đã cày xong thửa ruộng thì sảng khoái biết bao. Khách đến chơi nhà không phải “đốt than quạt nước” vì đã có chiếc phích ủ sẵn nước nóng pha trà mời khách rồi… Như vậy ta có thể kết luận: Phích nước đã góp phần tạo nên một nét đẹp văn hoá ở Việt Nam.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau soạn thảo xong bài Soạn bài Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng rồi các em học sinh thân mến. Để tham khảo thêm thật nhiều bài học bổ ích như vậy và chuẩn bị hành trang tới trường thật tốt, các em hãy truy cập vào website hoctot.hocmai.vn các em nhé!