Buổi học hôm nay là Soạn bài Ôn tập truyện kí Việt Nam. Những văn bản văn học Việt Nam trong soạn văn 8 thật sự đều rất hay và ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật trong đó. Bài Ôn tập truyện kí Việt Nam được Bộ giáo dục tạo ra như một lần giúp các em ôn tập lại một lượt những văn bản ấy. Bây giờ thì chúng ta cùng nhau vào soạn bài này nhé.
Câu 1: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 | trang 104)
Tên văn bản, tác giả | Thể loại | Phương thức biểu đạt | Nội dung chủ yếu | Đặc sắc nghệ thuật |
Tôi đi học (tác giả Thanh Tịnh: 1911-1988) | Truyện ngắn | Tự sự | Tác giả nhớ lại kỉ niệm trong sáng, đáng yêu không thể quên của ngày đầu tiên đến trường. | Nghệ thuật tự sự đan xen miêu tả và biểu cảm, hình ảnh so sánh trong sáng giản dị, độc đáo, giọng điệu trữ tình. |
Trong lòng mẹ – Trích “Những ngày thơ ấu” (tác giả Nguyên Hồng: 1918-1982) | Hồi kí | Tự sự xen kẽ với miêu tả, biểu cảm | Tình yêu thương và nhớ nhung mẹ da diết. Niềm hạnh phúc vô bờ khi được mẹ ôm vào lòng. | Miêu tả chi tiết. Các hình ảnh so sánh chân thực tiêu biểu. Lời văn tha thiết, cảm động. |
Tức nước vỡ bờ – Trích “Tắt đèn” (tác giả Ngô Tất Tố: 1893-1954) | Tiểu thuyết | Tự sự xen kẽ miêu tả, và biểu cảm | Bộ mặt ác ôn, tàn nhẫn của xã hội thực dân phong kiến được thể hiện qua hành động của những tên tay sai. Sức phản kháng đấu tranh mãnh liệt của chị Dậu. | Bút pháp hiện thực. Miêu tả diễn biến tâm lý sâu sắc, khắc họa bộ mặt bọn tay sai sinh động. |
Lão Hạc (tác giả Nam Cao: 1915-1951) | Truyện ngắn | Tự sự xen lẫn miêu tả và biểu cảm. | Lão Hạc có một số phận bần hàn, bế tắc, đau khổ nhưng lại có tấm lòng yêu thương con trong sáng tha thiết, dám hi sinh tất cả mọi thứ vì con trai mình, phẩm chất chất phác, đáng kính của Lão Hạc. | Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, miêu tả tâm lí sâu sắc, khắc họa nội tâm nhân vật, kết thúc bất ngờ. |
Câu 2: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 | trang 104)
a. Điểm giống nhau:
- Cả ba truyện đều được tác giả viết bằng phương thức tự sự, và đều được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1945.
- Nội dung của cả ba truyện đều chứa đựng giá trị cốt lõi là tinh thần nhân đạo, viết về những con người đương thời đều có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
- Đều có lối viết chân thực, dung dị, gần gũi đời sống, với việc sử dụng bút pháp tả thực hết sức sinh động.
b. Điểm khác nhau:
- Khác nhau về thể loại: “Trong lòng mẹ” → thể loại hồi kí, “Tức nước vỡ bờ” → thể loại tiểu thuyết, “Lão Hạc” → thể loại truyện ngắn.
- Khác nhau về đối tượng được đề cập tới: Cùng thể hiện giá trị nhân đạo, cốt cách con người nhưng mỗi văn bản đều đề cập đến một đối tượng khác nhau.
- Có người vừa nghèo đói, khổ sở lại vừa bị hủ tục lạc hậu xô đẩy (mẹ con chú bé Hồng). Có người vì quá nghèo khổ và chịu nhiều áp bức phải đứng lên phản kháng lại (chị Dậu), có người lại giữ chặt nỗi đau ấy và chịu một cái chết thảm thương (lão Hạc)
- Về phương diện biểu đạt thì mỗi văn bản thể hiện sắc thái miêu tả và biểu cảm đậm nhạt tương đối khác nhau.
Câu 3: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 | trang 104)
1. Tức nước vỡ bờ
Em thích nhất nhân vật chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ” (trích từ “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố) và đoạn chị Dậu đánh nhau với tên Cai Lệ và người nhà lí trưởng. Bởi vì chị Dậu là nhân vật đại diện cho người phụ nữ Việt Nam yêu chồng thương con và chị cũng là một người con Rồng cháu Tiên dám đứng lên sẵn sàng phản kháng lại áp bức khi cần. Hành động của chị là tự phát nhưng chính là khởi nguồn cổ vũ cho sự đấu tranh giành lại tự do của người nông dân Việt Nam. Đoạn chị Dậu đánh nhau với Cai Lệ đem lại sự hả hê và hài lòng cho người đọc khi thấy cảnh chị chàng con mọn một mình thắng hai tên tay sai.
2. Lão Hạc
Em thích nhất nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, đặc biệt là trong phân đoạn lão Hạc bán cậu Vàng. Lão Hạc là đại diện cho tầng lớp người nông dân lao động chăm chỉ nhưng vẫn phải chịu kiếp sống nghèo khổ bất hạnh. Con trai lão Hạc vì không đủ tiền cưới vợ mà phải bỏ đi phu đồn điền cao su mà mãi không thấy về, lão chỉ có duy nhất chú chó cậu Vàng làm bạn. Khi cuộc sống khó khăn lão phải bán đi cậu Vàng, lão đã khóc vì trót lừa một con chó rất thân thiết với mình. Qua sự miêu tả chân thực về sự đau khổ, hối hận của lão Hạc, ta càng trân trọng tấm lòng nhân hậu của lão.
3. Trong lòng mẹ
Chú bé Hồng trong truyện “Trong lòng mẹ” là một người con vô cùng hiếu thảo và hết mực yêu thương mẹ. Tình cảm của chú bé đối với mẹ mình làm cho người đọc phải hết sức cảm động đặc biệt qua đoạn miêu tả tâm lí và hành động của Hồng trong cuộc trò chuyện với người cô của chú bé. Dù người cô có nói xấu mẹ đến đâu thì Hồng vẫn thương yêu mẹ, căm tức những hủ tục lạc hậu đã đày đọa mẹ và mong muốn tha thiết dường nào để được gặp lại mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng giữa Hồng và mẹ vô cùng thiết tha sâu đậm, thật đáng trân trọng và cảm phục.
Những bài viết tham khảo thêm:
- Soạn bài Lập dàn ý cho bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm
- Soạn bài Hai cây phong
- Soạn bài Nói quá
Bài viết Soạn bài Ôn tập truyện kí Việt Nam tới đây là đã kết thúc các em học sinh thân mến. Sau khi đọc xong những văn bản trên thì cá nhân các em có cảm nhận như thế nào? Những văn bản kể trên đều thật sự rất xúc động, chạm vào lòng người và lấy đi rất nhiều nước mắt của độc giả. Để tiếp cận được thêm nhiều bài Soạn bài chi tiết và sát sườn với sách giáo khoa như thế này, các em hãy truy cập vào website hoctot.hocmai.vn các em nhé!